Bệnh heo cắn nhau
(Cannibalism)
Bệnh cắn nhau trong chăn nuôi heo hay còn gọi là hành vi ăn thịt đồng loại là tình trạng rối loạn hành vi ở heo nái, heo con hoặc heo vỗ béo. Thường có ba hình thức cắn nhau đó là cắn đuôi (1.A), cắn tai (1.B), cắn hông (1.C) và heo nái ăn thịt heo con của mình.
Hiện nay, nhiều trang trại đang ghi nhận tình trạng gia tăng nạn ăn thịt đồng loại và thiệt hại kinh tế liên quan. Ăn thịt đồng loại ở mức độ nhẹ làm giảm tốc độ tăng trưởng của vật nuôi. Ở mức độ nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến tử vong, phải bán gia súc vì lý do vệ sinh, phải tiêu hủy một phần hoặc toàn bộ xác gia súc khi giết mổ. Ăn thịt đồng loại làm giảm giá trị của xác động vật khi giết mổ (tai và đuôi của động vật cũng có giá trị). Tăng chi phí thú y phải điều trị những cá thể bị thương.
![]() A.Heo cắn đuôi nhau. |
![]() B.Heo cắn tai nhau. |
![]() C.Heo cắn hông nhau. |
Hình 1. Các vị trí heo hay cắn nhau (Sưu tầm).
Theo quan điểm phúc lợi động vật, điều quan trọng là tránh xảy ra tình trạng ăn thịt đồng loại và ít nhất là kiểm soát các đợt bùng phát càng nhanh càng tốt. Do đó, việc xác định các biện pháp phòng ngừa và cấp tính có tầm quan trọng cao đối với tất cả các trang trại chăn nuôi heo.
Nguyên nhân
Những bất thường về hành vi phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng có thể do:
– Di truyền. Một sự thật đã biết là một số kiểu gen của heo hung dữ hơn và có xu hướng ăn thịt đồng loại nhiều hơn những kiểu gen khác. Khi sử dụng vật nuôi có kiểu gen có nguy cơ ăn thịt đồng loại cao, cần phải xem xét rất nghiêm túc tất cả các yếu tố khác góp phần vào sự phát triển của hành vi ăn thịt đồng loại trong đàn. Giải pháp là chuyển sang phương pháp di truyền khác, sử dụng một con heo đực giống khác.
– Viêm da xuất tiết. Nhiễm trùng da hoặc bệnh chàm ướt bắt đầu ở đầu đuôi hoặc tai khi chất dịch huyết thanh rỉ ra bề mặt ở những vùng nhỏ. Thường do nhiễm bẩn da từ thực phẩm và nứt da do chấn thương. Nơi Staphylococcus hyicus xâm nhập và gây nhiễm trùng. Heo bị viêm da, cuối cùng dẫn đến hành vi ăn thịt đồng loại. Giải pháp là điều trị cho động vật bằng thuốc sát trùng và kháng sinh (AMOX L.A 15%, OXY L.A,…).
– Chiều dài đuôi. Tất nhiên, một cái đuôi dài, một cái đuôi không cắt sẽ làm tăng nguy cơ ăn thịt đồng loại. Ngoài ra, độ dài đuôi khác nhau cũng là một yếu tố bổ sung. Giải pháp là cắt đuôi ngắn sẽ ngừa được hành vi cắn đuôi nhau.
– Chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin và protein, đói, thiếu nước uống.
– Căng thẳng thường xuyên khiến đàn heo có xu hướng muốn nhai thứ gì đó.
– Nuôi trên sàn gỗ, sàn xi măng, sàn nhựa chúng không được đào đất hoặc đào rơm theo thói quen tự nhiên.
– Mật độ chăn nuôi quá mức, gây ra sự cạnh tranh về thức ăn và không gian sống.
– Tiếp xúc với các chất gây kích ứng bên ngoài: nhiệt độ tăng cao ở khu vực nuôi động vật, tích tụ khí do thông gió kém.
– Ánh sáng mạnh gây ra sự hung dữ ở một vài cá thể.
– Các nguyên nhân khác là ghép đàn, vệ sinh thú y liên tục, tiếng ồn cơ khí, nhiệt độ ngày và đêm trong chuồng chênh lệch lớn trong khi độ ẩm cao, heo con nhiễm độc giun sán,…
– Có trường hợp đặc biệt heo thịt cắn nhau sau khi tiêm kháng sinh. Tôi cho rằng đàn heo bị dị ứng thuốc có thể do tiêm quá liều hoặc tăng mẫn cảm với thuốc nên kích thích chúng cắn nhau.
– Có trường hợp heo mẹ đẻ lứa đầu ăn luôn heo con, gia chủ tưởng là nái dữ và thường liên quan đến sự lo lắng hoặc sợ hãi ở heo nái trước khi sinh. Hành vi này gọi là loạn thần sau sinh. Nó có thể xảy ra ở một số gia đình hoặc giống và có thể liên quan đến nỗi sợ môi trường sinh đẻ mới, đặc biệt là khi những nái được nhốt tự do trước khi đưa vào lồng đẻ. Những thay đổi về hormone liên quan đến sinh đẻ có thể góp phần vào hành vi này.
Trong một số trường hợp, một con heo nái bị bệnh có thể tấn công heo con của mình hoặc heo con không bấm nanh có thể làm tổn thương bầu vú và gây đau đớn nên heo mẹ cắn con.
– Mối quan hệ của heo nái không tốt với người chăn nuôi cũng có thể dẫn đến hung dữ vì việc nhốt heo nái trong chuồng trong khi heo con có thể thường xuyên đi qua trước mặt heo nái gây ức chế.
Tình trạng này dường như phổ biến nhiều hơn ở một số giống heo so với những giống khác. Ví dụ, tình trạng này phổ biến hơn ở heo nái đại bạch thuần chủng so với heo Landrace hoặc heo Duroc, có thể đôi tai của hai giống sau dài cụp xuống che mặt làm giảm khả năng quan sát nên chúng ít cắn nhau hơn. Cứng cắn nhau thường không lây truyền, nhưng khi có một giống hoặc đàn dễ mắc bệnh, nái có thể hành xử giống như mẹ của chúng.
Triệu chứng
Có thể xảy ra cắn nhau theo hai giai đoạn hoặc cắn dữ dội đột ngột.
Trong hành vi cắn “hai giai đoạn”, ban đầu hành vi gặm nhấm lẫn nhau mà heo nạn nhân cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, sau khi những vết thương đầu tiên xảy ra, đàn heo cắn ngày càng dữ dội hơn gây thương tích chảy máu, mà thấy máu chảy chúng lại càng cắn nhau. Kiểu ăn thịt đồng loại này là một biến thể của hành vi khám phá và chơi đùa bẩm sinh của động vật.
Sau cai sữa heo con cắn đuôi (2.A), tai (2.B) của nhau gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Trong thực tế sản xuất, có những trang trại giống do thiếu chuồng nuôi ghép nhiều heo đực cai sữa trong một chuồng. Hậu quả heo cắn cụt đuôi nhau gây nhiễm trùng, sau điều trị khỏi phải chuyển qua nuôi heo thương phẩm. Một trường hợp khác là mật độ nuôi heo thịt quá chật, trong khi vòi uống nước ít nên khát nước heo cắn nhau. Bệnh chỉ dừng sau khi san đàn và bổ sung đủ nước uống.
Nái hung dữ thường có thể được nhận biết bằng vẻ ngoài lo lắng và đôi mắt hoang dã của chúng. Chúng có thể hung dữ với người chăn nuôi và gầm gừ hung dữ hoặc lắc đầu về phía bất kỳ sự khó chịu nào. Hai hoặc ba con heo con đầu tiên của lứa có thể bị heo mẹ cắn hoặc lo lắng hoặc đơn giản là bị ăn thịt (2.C). Nếu nái vẫn lo lắng, toàn bộ lứa có thể bị tiêu hủy. Hành vi này thường chỉ giới hạn ở nái đẻ lứa đầu, nhưng có thể tái phát ở các lứa sau. Heo con bị thương có thể có vết thương rõ ràng ở đầu hoặc vai và đôi khi ở lưng. Những vết cắt và vết rách này khô nhanh trong môi trường đẻ ấm áp và heo con có thể hồi phục.
![]() |
![]() B. Heo bị cắn cụt tai. |
![]() C. Heo con bị mẹ cắn. |
Hình 2. Tổn thương do heo cắn nhau (Sưu tầm).
Các biến chứng có thể xảy ra:
– Hoại tử mô ở vùng đuôi (3.A);
– Sự lây lan của nhiễm trùng khắp cơ thể;
– Tổn thương cơ (3.B);
– Viêm mủ cột sống;
– Liệt các chi sau;
– Viêm bầu vú của heo mẹ (3.C).
![]() |
![]() B. Tổn thương cơ. |
![]() C. Viêm bầu vú heo mẹ. |
Hình 3. Các biến chứng trong bệnh Cannibalism (Sưu tầm).
Bệnh tích
Thường có vết răng trên xác heo hoặc vết rách hình tam giác trên đầu, vai và mông. Khám nghiệm xác chết sẽ xác nhận sự hiện diện của chấn thương xảy ra khi heo còn sống, biểu hiện bằng chảy máu vào trong nên cơ bị bầm tím.
Chẩn đoán
Dựa vào kết quả điều tra dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Heo cắn nhau gây chảy máu tai, đuôi và nhiều vùng khác trên cơ thể.
Chấn thương ở đuôi có thể từ vết cắn nhỏ ở đầu đuôi đến vết thương nghiêm trọng làm lộ khoang xương chậu của heo. Đôi khi, do bị thương, heo có thể bị liệt. Điều quan trọng là phải xác định độ tuổi của heo khi bị chấn thương, bởi vì đôi khi đuôi bị cắn dễ nhầm là đuôi bị cắt, mặc dù đuôi bị cắt có mép khá nhẵn. Nếu bạn đột nhiên phát hiện ra một vết thương cũ, bạn không thể bỏ qua và nên xác định giai đoạn sản xuất mà hành vi ăn thịt đồng loại xảy ra.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với bệnh hoại tử tai, heo con chết do bị heo mẹ đè hoặc kẹt cửa chuồng và nái cắn con do bệnh sốt sữa.
Ở giai đoạn đầu, người nuôi heo có thể dễ nhầm lẫn giữa hoại tử vành tai và các tổn thương tai liên quan đến ăn thịt đồng loại. Tuy nhiên, rất dễ để phân biệt hai bệnh lý này. Hoại tử vành tai luôn bắt đầu từ chóp tai và lan ra cả hai tai cùng một lúc, thì các tổn thương tai do ăn thịt đồng loại không theo một mô hình dễ nhận biết nào.
Heo con chết do heo mẹ đè hoặc do kẹt cửa chuồng biểu hiện xác lép, lưỡi thè ra ngoài.
Một số nái đẻ không cho con bú, cắn heo con. Đó là bệnh heo nái sốt sữa. Nái bệnh hay nằm sấp, bầu vú căng, nóng, vắt sữa ra ít.
Điều trị
Hộ lý:
– Loại trừ nguyên nhân gây bệnh. Bổ sung đầy đủ nước uống, thức ăn và nuôi giãn mật độ bệnh sẽ giảm.
– Nếu do thiếu khoáng vi lượng và vitamin, cho heo ăn/uống VINA-NUTRI PRO, 1 – 2 g/2 lít nước uống, tương ứng với 100 – 200 g/100 kg thức ăn hoặc 100 – 200 g/1000 kg thể trọng/ngày, liên tục trên 7 ngày, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của đàn heo.
– Loại bỏ hoặc tách riêng heo hung dữ cũng như nái hay cắn con.
– Nhốt riêng heo bị cắn ở nơi khô ráo, sạch sẽ để chăm sóc điều trị.
– Xử lý vết thương, sau đó bôi VINADIN để sát trùng.
– Loại bỏ heo bị thương nặng không thể điều trị được.
Dùng thuốc:
– VINATHAZIN, 2 – 5 ml/con, có thể tiêm nhắc lại sau 8 – 12 giờ nếu cần thiết để an thần, giảm kích thích heo cắn nhau, đặc biệt là nái đẻ lứa đầu. Đàn heo con nhốt trong khu vực tránh xa heo nái trong ít nhất 20 phút sau khi tiêm cho đến khi heo mẹ nằm xuống và lăn sang một bên. Sau đó mới đưa heo con trở lại. Hầu hết các lần đẻ sau đó sẽ diễn ra bình thường.
– Đối với con bị thương, tiêm VITAMIN K 1%, 1 ml/10 kg thể trọng để cầm máu, có thể lặp lại sau 8 – 12 giờ tùy mức độ chảy máu.
– Tiêm bắp một trong các loại thuốc sau: CEFKETO 10 L.A (1 ml/20 – 30 kg thể trọng), VINACEF (1 ml/10 – 16 kg thể trọng), AMOX L.A, VINAENRO 5%, LINCOSEP, LEPTOCIN, (1 ml/10 kg thể trọng) hoặc PNEUMOTIC (1 ml/5 – 8 kg thể trọng), ngày một lần trong 3 – 5 ngày để chống nhiễm trùng.
Phòng bệnh
Tại sao heo lại cắn nhau?
Vị giác bao gồm sáu phẩm chất khác nhau: ngọt, mặn, đắng, chua, umami (tiếng Nhật là ngon, cay) và béo. Các vị umami, béo, ngọt và mặn tương ứng với các chất dinh dưỡng cơ bản của heo. Đồng thời, tất cả các thành phần này đều có trong máu. Nếu muốn heo không còn cảm nhận được vị máu, thì thức ăn thay thế phải giàu dinh dưỡng và đặc biệt ngon. Ở đây, ngay cả việc thêm muối gia súc cũng có thể làm giảm những gì đang xảy ra.
Để hạn chế hành vi cắn nhau trong đàn heo cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
– Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, cho ăn bột đủ chất theo giai đoạn nuôi, nước uống đầy đủ.
– Tuỳ vào thể trạng và năng suất (nhiều hay ít con), trong giai đoạn bầu kỳ II tăng khẩu phần lên 10 – 15%.
– ANTHAI, 1 kg/100 – 250 kg thức ăn, cho nái ăn suốt trong thời kỳ bầu để giúp bào thai phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cả mẹ và đàn con.
– Trước 10 giờ ngày bầu 113 tiêm một mũi VINA-ROST, 0,7 ml/nái để nái đẻ ban ngày có điều kiện chăm sóc, hạn chế cắn hoặc đè con.
– Nếu có vấn đề lớn, hãy nhốt nái hậu bị trong chuồng nái ít nhất 7 ngày trước khi vào chuồng đẻ.
– Đảm bảo rằng chuồng nái được chiếu sáng mờ, ấm áp và thoải mái, không có gió lùa.
– Phát nhạc nền trong thời gian đẻ, nói chuyện với tất cả nái hậu bị, vuốt ve chúng và phát triển sự đồng cảm tốt bắt đầu từ 3 đến 4 tuần trước khi đẻ. Đảm bảo một người thường xuyên chăm sóc đàn heo nái trong suốt quá trình nuôi.
– Nên ghép đàn vào cuối buổi chiều, để tối ngủ mùi của chúng lẫn vào nhau, không phân biệt được con lạ nên không cắn nhau.
– Treo đồ chơi trong chuồng nuôi để gây mất tập trung cho đàn heo.
– Kinh nghiệm dân gian là phun rượi, cồn tỏi,… vào đàn mới ghép để chúng không phân biệt được con lạ, nên không cắn nhau.
– Bấm nanh vào giai đoạn 1 – 3 ngày tuổi và cắt đuôi vào giai đoạn 10 ngày tuổi đúng kỹ thuật.
CVKT.Ts. Trần Văn Bình