TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THỦY SẢN, CHĂN NUÔI CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2021
Thứ bảy, ngày 31/07/2021
Sáu tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng kỳ, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng 3,2 triệu tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5%; sản lượng sữa bò tươi đạt 561 nghìn tấn, tăng 11,2%; giá trị xuất khẩu ước 196,8 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Những tháng cuối năm 2021, sản xuất thủy sản, chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Bắt đầu vào mùa mưa bão, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường; đặc biệt là diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 làm gia tăng nguy cơ đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn; các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, xác nhận mã số đăng ký cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có giải pháp cụ thể tổ chức triển khai nội dung Công văn số 4510/BNN-CN ngày 20/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản, Công văn số 1123/TCTS-NTTS ngày 20/7/2021 của Tổng cục Thủy sản về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tạo điều kiện cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm 2 động vật, các loại thuốc, vắc xin, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chủ động đề xuất phương án tổ chức giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, bảo đảm phòng chống Covid-19 và an toàn dịch bệnh theo quy định.
3. Chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID19 theo quy định của Chính phủ và của địa phương tại các cảng cá, các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên bố trí phương tiện, nhân lực, vật lực để thực hiện kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại khu vực các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đạt hiệu quả cao nhất. Xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng lao động và quản lý tại cảng cá, thuyền viên, lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch và tổ chức sản xuất tại thực địa.
4. Chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ, đồng thời xem xét việc mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm. Chủ động thống kê các chuỗi sản phẩm thủy sản có sản lượng lớn (qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, …), phối hợp với các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm thủy sản, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.
5. Tập trung phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi:
– Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, nuôi cá tra các tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch sản xuất. Đồng thời phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá rô phi, nhuyễn thể, cá nước lạnh, cá biển, …) và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
– Hướng dẫn và động viên ngư dân tổ chức khai thác thủy sản trên biển an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, nhất là các tỉnh gần các thành phố có nhu cầu tiêu thụ lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, dê thịt) là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, những đối tượng này có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm của nông – lâm – ngư nghiệp tại địa phương. Đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm, kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
– Tổ chức triển khai, hướng dẫn ngư dân, người chăn nuôi và nuôi trổng thủy sản các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bão, lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi xảy ra thiên tai. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi.
– Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu cá hoạt động khai thác, ra, vào cảng (hoặc bố trí địa điểm phù hợp trong trường hợp cảng cá thực hiện phong tỏa phòng chống dịch); bốc, dỡ thủy sản và hàng hóa đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. – Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có giá thành hạ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
6. Về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật
– Đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.
– Tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh,…, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, mới nhập đàn và tiêm nhắc lại trước thời điểm hết miễn dịch sinh ra do lần tiêm trước.
– Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao (như các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm,…) để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường.
– Hướng dẫn chủ vật nuôi, người nuôi trồng thủy sản khi thấy gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết nhiều bất thường cần báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân. Tuyệt đối không vứt xác động vật bệnh, chết ra môi trường; không xả thải nước, chất thải các cơ sở nuôi trồng bị dịch bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, ở diện hẹp, tránh để lây lan diện rộng, khó kiểm soát.