Tin ngành

Tin tức

Phác đồ phòng trị bệnh sữa trên tôm hùm

Phác đồ phòng trị bệnh sữa trên tôm hùm

Bệnh sữa trên tôm hùm: Kỳ vọng các phác đồ điều trị

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 03/07/2012 
Ngày cập nhật: 4/7/2012

 

Bệnh sữa trên tôm hùm xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2007 và bùng phát thành dịch năm 2008 gây thiệt hại cho người nuôi tại các tỉnh miền Trung. Từ cuối tháng 2/2012 đến nay, bệnh sữa phát triển trở lại, trong đó tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với các nhà khoa học cùng địa phương tìm ra cách điều trị bệnh sữa trên tôm hiệu quả nhất, giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro… *

Bệnh sữa bùng phát trên tôm hùm khiến nhiều người nuôi ở TX Sông Cầu thiệt hại nặng – Ảnh: A.NGỌC

BA CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đầu năm nay, người nuôi tôm hùm ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bị thiệt hại nặng do tôm bị bệnh sữa. Riêng Phú Yên có khoảng 327.000 con tôm hùm mắc bệnh, trong đó ở TX Sông Cầu bị nặng nhất (xã Xuân Thịnh có tỉ lệ tôm mắc bệnh và chết đến 70% số tôm nuôi). Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y Phú Yên, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Trường đại học Nha Trang và các chuyên gia đầu ngành về thủy sản tiến hành thử nghiệm một số phác đồ điều trị nhằm phổ biến cho người dân giúp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra 3 phác đồ điều trị:

Phác đồ 1, sử dụng Oxytetracyline 20% dạng tiêm, thuốc được pha với tỉ lệ 1 phần thuốc, 9 phần nước cất, tiêm với liều lượng 0,1 ml/100 g tôm; tiêm một lần, kết hợp với việc bổ sung chất dinh dưỡng và men tiêu hóa (từ ngày thứ 8 trở đi) cho tôm trong quá trình điều trị. Thời gian thực hiện trong 14 ngày.

Phác đồ 2, sử dụng Doxycyclin 10% trộn vào thức ăn với liều lượng 7 g/kg thức ăn trong 7 ngày; cho tôm ăn kết hợp với việc bổ sung chất dinh dưỡng và treo hóa chất Chlorine Dioxide để khử trùng tiêu độc, diệt ký sinh trùng trên tôm. Phác đồ này thực hiện trong vòng 10 ngày.

Phác đồ 3, dùng Streptomycine Sulfate – 1.000 mg pha với 10 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất) tiêm cho tôm bị bệnh nặng, bỏ ăn với liều lượng 0,04 ml thuốc đã pha/100 g tôm; kết hợp với việc sử dụng Doxycyclin 10% trộn vào thức ăn với liều lượng 7 g/kg thức ăn trong 5 ngày, sau đó giảm một nửa liều dùng trong 2 ngày tiếp theo (tổng thời gian dùng kháng sinh trong 7 ngày. Nếu còn bị bệnh thì dùng lại như ban đầu). Tôm cũng được bổ sung chất dinh dưỡng giống như phác đồ 2, ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 bổ sung thêm men tiêu hóa.

TIÊM TRỰC TIẾP HIỆU QUẢ HƠN

Ông Bùi Thái Hùng ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), cho biết: “Tôi thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Cục Thú y như bố trí mặt bằng, chuẩn bị ô lồng thí nghiệm, chọn những con tôm hùm bị bệnh và phơi nhiễm với bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi tôm bệnh. Khi tiêm kháng sinh trực tiếp vào tôm, tôi thấy phác đồ điều trị này rất hiệu quả”. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, giảng viên Trường đại học Nha Trang (thành viên trong tổ nghiên cứu), hiện Oxytetracyline 20% là kháng sinh được phép sử dụng với giá rất rẻ, mỗi lọ 100ml chỉ khoảng 25.000 đồng nhưng lại điều trị được cho khoảng 1 tấn tôm hùm. Không chỉ điều trị bệnh sữa, thuốc này còn có hiệu quả để trị các loại bệnh như đen mang, đỏ thân trên tôm hùm. Phác đồ điều trị này được áp dụng cho cả tôm nhỏ bằng ngón tay. Thuốc kháng sinh Oxytetracyline 20% sẽ đào thải độc tố khỏi cơ thể tôm hùm chỉ sau 7 ngày, nếu tôm xuất bán sau khoảng thời gian này thì không còn tồn dư thuốc kháng sinh trong tôm hùm thương phẩm.

Qua tổ chức cho người nuôi tôm hùm tham gia thử nghiệm 3 phác đồ điều trị mà nhóm nghiên cứu đưa ra, ông Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Thú y (Cục Thú y), cho biết: “Hiệu quả điều trị bệnh sữa trên tôm hùm của 3 phác đồ cho thấy tỉ lệ tôm hùm bị bệnh sau khi điều trị có biểu hiện hết dấu hiệu lâm sàng (theo quan sát biểu hiện lâm sàng: tôm có cơ bụng trong trở lại, lột xác được, khả năng hoạt động và bắt mồi bình thường). Trong 3 phác đồ điều trị thì phác đồ 2 có lượng tôm chết cộng dồn thấp nhất sau đó đến phác đồ 3 và phác đồ 1. Vì trong quá trình thí nghiệm người dân vẫn thường chọn tôm bị bệnh nặng để thử nghiệm phác đồ 1 nên trong những ngày đầu thường thấy số lượng tôm chết nhiều hơn ở các phác đồ khác. Đối với phác đồ 1 và 2, tỉ lệ tôm chết theo ngày có xu hướng giảm dần trong 10 ngày điều trị, trong khi đó ở phác đồ 3 thì tỉ lệ này diễn biến không theo quy luật trên. Đặc biệt, đối với phác đồ 1 thì không phát hiện sự xuất hiện của vi khuẩn trong mẫu máu tôm sau khi điều trị 20 ngày. Ngoài ra, phác đồ 3 ở những lô thí nghiệm có tỉ lệ tôm bị bệnh nặng thì tỉ lệ chết cao hơn những lô có tỉ lệ tôm bị bệnh nhẹ. Từ những kết quả so sánh và nhận định thực tế quá trình tiến hành thử nghiệm, các chuyên gia thủy sản đề xuất dùng Oxytetracyline 20% pha với tỉ lệ 1ml thuốc với 9 ml nước cất tiêm cho tôm với liều lượng 0,1 ml/100 g tôm, kết hợp với bổ sung thuốc bổ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm sẽ có hiệu quả tốt trong điều trị tôm hùm bị bệnh sữa”.

Ông Lê Văn Khoa cho biết thêm, người nuôi có thể dùng Doxycyclin trộn với thức ăn cho tôm hùm ăn kết hợp với thuốc bổ trợ nâng cao sức đề kháng cho tôm để phòng bệnh sữa cho tôm hùm. Các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn phác đồ điều trị và kỹ thuật tiêm tôm cho người nuôi. Đồng thời, tăng cường việc theo dõi, giám sát vùng nuôi báo cáo dịch bệnh theo hướng dẫn của Cục Thú y.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: “Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục triển khai phác đồ này để điều trị, dập tắt dịch bệnh trên tôm hùm. Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ cho người nuôi qua việc tiêm phòng cho tôm hùm nuôi giống như hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Việc tiêm phòng này sẽ được thử nghiệm ở vùng nuôi tôm nào đó, theo dõi mức độ nhiễm bệnh có giảm bớt hay không rồi mới có chỉ đạo cụ thể theo diễn biến quá trình nuôi để phòng trị bệnh”.