Tin ngành

Tin tức

Người nuôi heo “khốn khổ”

Người nuôi heo “khốn khổ”

Hệ lụy của việc buôn bán và sử dụng chất tạo nạc Salbutamol trên heo vừa mới tạm lắng thì dịch heo tai xanh tái bùng phát và có nguy cơ lây lan. Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước có 8 tỉnh, thành xảy ra dịch và buộc phải công bố. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại khá nặng nề. Giá heo hơi một thời gian dài không “ngóc đầu” lên nổi thì nay tiếp tục giảm.

Các trang trại ngày một khó khăn khi giá cả ngày một xuống thấp.

“Tai nạn” liên tiếp

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 8 đơn vị bị ngành chức năng tỉnh phát hiện có buôn bán và sử dụng chất tạo nạc Salbutamol, đến nay UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt một số đơn vị, với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, Cơ sở Đông Phương và Công ty TNHH thuốc thú y thủy sản Cao Long chưa chấp nhận đóng phạt. Ông Lê Công Định, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, huyện tiếp tục kiểm tra các đơn vị và hộ chăn nuôi có buôn bán, sử dụng chất tạo nạc để nuôi heo. “Thời gian qua, chất tạo nạc đã tạm lắng nhưng không vì thế mà lơ là” – ông Định nói.

Không những chất tạo nạc làm cho người nuôi heo “khốn khổ” mà dịch bệnh cũng gây cho họ không ít khó khăn. Theo ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện lẻ tẻ trên các đàn heo của huyện Cai Lậy, Châu Thành; gần đây nhất là huyện Chợ Gạo và đang có khuynh hướng lây lan sang diện rộng. Chi cục Thú y tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do công tác giám sát dịch bệnh của Ban Thú y xã chưa chặt chẽ; một số thú y cơ sở có phát hiện heo bệnh nhưng không báo cáo. Chủ nuôi khai báo chậm hoặc không khai báo. Công tác tiêm phòng vắc xin tai xanh chưa được chủ nuôi quan tâm.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu Trạm thú y các huyện, thị, thành tăng cường giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh ổ dịch. Tổ chức tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi (bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng) đặc biệt là bệnh heo tai. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, chú trọng việc vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi…

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch heo tai xanh xảy ra tại 123 xã, phường, thị trấn của 27 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành. Hiện nay, còn 8 tỉnh, thành có dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày là: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu và Đồng Nai. Đánh giá của Cục Thú y thì dịch heo tai xanh năm nay gây thiệt hại nặng nề hơn cho ngành chăn nuôi khi mà tổng số heo mắc bệnh gấp 2,5 lần, với 33.778 con, số heo tiêu hủy lên tới 21.708 con. Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang nhận định: Nguồn heo ở tỉnh Bạc Liêu muốn nhập vào TP. Hồ Chí Minh phải qua tỉnh Tiền Giang. Vì tỉnh này đang có dịch nên chúng ta cần phải tăng cường kiểm soát, đề cao cảnh giác.

Người chăn nuôi gặp khó

Theo các hộ nuôi heo trong tỉnh, chưa có năm nào giá heo lại giảm xuống dưới giá thành và kéo dài như hiện nay. Do đó, nhiều trang trại chăn nuôi heo phải chịu thua lỗ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Một số trang trại phải giảm đàn để hạn chế rủi ro. Song không ít trang trại vẫn tìm cách duy trì đàn với hy vọng sau một thời gian giảm sâu, giá heo sẽ tăng trở lại giúp họ bù lỗ và có lời. Ông Phan Văn Tiến, ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo cho biết, đầu tháng 3, giá heo hơi loại tốt giá 47 ngàn đồng/kg, loại thường 40 – 41 ngàn đồng/kg; nay giá heo tốt còn 37 ngàn đồng/kg, loại thường chỉ bán được 34 – 35 ngàn đồng/kg. Khi báo, đài đưa tin dùng chất cấm nuôi heo gây bệnh cho người sau khi ăn thì heo ở đây ế cả làng, thậm chí bán rẻ nhưng lái vẫn cứ làm eo không mua. Hiện giá thành của mỗi con heo xuất chuồng khoảng 40 – 41 ngàn đồng/kg. Với giá heo hiện nay, người nuôi phải chịu lỗ từ 4 – 7 ngàn đồng/kg. Gia đình ông Tiến còn trên 250 con heo thịt sắp xuất chuồng nhưng với giá như vầy, gia đình ông đành phải neo lại.

Tương tự, chủ trang trại nuôi heo Trương Thị Lệ, ấp Bình Phú, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Bà Lệ nói: “Từ đầu năm đến nay, giá heo thường xuyên nằm dưới giá thành khiến trang trại của tôi và nhiều trang trại khác thua lỗ không ít. Một số chủ trại không cầm cự được phải giảm đàn hoặc chuyển qua nuôi gia công cho các công ty lớn. Riêng trang trại của tôi có nguồn vốn dự trữ nên vẫn cố gắng giữ đàn đợi qua thời điểm khó khăn này”. Theo bà Lệ, địa phương bà có rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ phải treo chuồng.

Thương lái mua heo tên Tài ở chợ Mỹ Phước Tây, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy cho biết, heo hạ giá và đầu ra tương đối khó khăn. Do không tìm được đầu ra nên thương lái hạn chế thu mua. Hơn nữa, điều kiện kinh tế khó khăn và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nên lượng thịt tiêu thụ tại các chợ rất chậm.

Người nuôi heo hết gặp khó khăn này đến khó khăn khác. Nếu tình trạng kéo dài, chủ nuôi sẽ “treo” chuồng vì thua lỗ.

Chỉ có tiêm phòng mới bảo vệ tốt đàn heo – Đó là khẳng định của Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Chi cục phó Chi cục Thú y Tiền Giang khi tình hình dịch heo tai xanh đang diễn biến khá phức tạp. Ngoài áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, hiện nay bà con chăn nuôi còn có giải pháp hỗ trợ cần thiết đi kèm – đó là vắc xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc. Đây là loại vắc xin có sự tương đồng kháng nguyên của týp vi rút chứa trong vắc xin và týp vi rút gây bệnh đang lưu hành trên đàn heo của tỉnh Tiền Giang. Vắc xin này đã được Cục Thú y khảo nghiệm, thực nghiệm với kết quả hiệu lực và an toàn cao.

Ở Tiền Giang, vắc xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc đã được đưa vào thử nghiệm năm 2010 và sử dụng đại trà năm 2011 trên hộ không có heo bệnh và hộ đang có heo bệnh. Thực tế, hộ không có heo bệnh sau khi tiêm phòng, tỉ lệ heo phát bệnh tai xanh chiếm rất thấp, dưới 0,5% (tiêm phòng 200 con heo chưa có dấu hiệu lâm sàng thì chỉ có 1 con có biểu hiện bất thường và chủ yếu là heo con theo mẹ hoặc heo sau cai sữa; các hạng heo khác thường ổn định sau tiêm phòng vắc xin PRRS nhược độc (týp JXA1-R) từ 5 – 7 ngày). Đối với hộ đang có heo bệnh, heo phát bệnh sau tiêm phòng chiếm tỉ lệ dưới 15% (tiêm phòng 100 con heo đang có dấu hiệu lâm sàng thì có 15 con được theo dõi và điều trị phụ nhiễm trong 3 – 5 ngày mà vẫn không có khả năng hồi phục. Số heo còn lại ở nhóm hộ này thường ổn định sau tiêm phòng 7 – 10 ngày).

Theo Tiến sĩ Hiếu, vắc xin nhược độc JXA1-R của Trung Quốc đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch heo tai xanh; đặc biệt trong ổ dịch, vắc xin đã góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh và rút ngắn thời gian chống dịch. Chính vì thế, Cục Thú y Việt Nam đã chọn loại vắc xin này đưa vào Chương trình quốc gia khống chế bệnh tai xanh từ năm 2012-2016. Để biết thêm thông tin về vắc xin nhược độc JXA1-R của Trung Quốc, bà con chăn nuôi liên hệ các Trạm Thú y huyện, thị, thành.

Nguồn tin: Tiền Giang, 24/06/2012

Vinavetco
0865.767.286