Tin ngành

Tin tức

Chúng ta đang “hiểu nhầm” dịch tai xanh như thế nào?

Chúng ta đang “hiểu nhầm” dịch tai xanh như thế nào?

Ngay sau thông tin dịch lợn tai xanh bùng phát tại một số tỉnh thành miền Bắc, theo thói quen cũ người ta bắt đầu “ngại” ăn thịt lợn. Cho tới cuối tháng 4, những trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn đầu tiên được phát hiện. Nhiều người cho rằng căn bệnh này là do lợn tai xanh gây ra. Đến lúc này, thịt lợn chính thức bị “tẩy chay”.


’Các
Các cửa hàng thịt lợn bị “tẩy chay” vì lợn tai xanh. Nguồn: Dostquangtri.gov.vn.

Vấn đề còn trầm trọng hơn khi ở nông thôn người ta kháo nhau đủ chuyện sai lệch xung quanh căn bệnh lợn tai xanh này. Người nói ăn thịt lợn vào sẽ lây bệnh, da sẽ xanh hết cả lên. Kẻ lại quả quyết, ăn vào sẽ hỏng ruột, thậm chí ung thư,…

Những lời đồn thổi rồi thái độ “cự tuyệt” với thịt lợn đã gây ra những thiệt hại đáng lo ngại cho người chăn nuôi khi ngay cả những con lợn được kiểm dịch nghiêm túc vẫn bị người tiêu dùng quay lưng. Thêm vào đó, tâm lý hoang mang cũng khiến cho người chăn nuôi tìm cách tẩu tán hoặc giấu giếm lợn dịch.

Trước tình hình này, thiết nghĩ cần có nhận thức đúng đắn, cụ thể về dịch bệnh, cơ chế lây lan cũng như cách phòng tránh để tránh những “hiểu nhầm” đáng tiếc ở người tiêu dùng gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bệnh lợn tai xanh có lây sang người?

Theo PGS. TS. Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung Ương, Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, bệnh lợn tai xanh là tên thường gọi của Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (Porcine Reproductive & Respiratory Syndrome – PRRS).

Virus PRRS (virus lợn tai xanh) thường tấn công vào các tế bào đại thực bào, đặc biệt là các tế bào đại thực bào của phế nang. Tế bào đại thực bào là tế bào có thẩm quyền miễn dịch. Chúng vừa phụ trách đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên) lại vừa  phụ trách miễn dịch đặc hiệu.

anh_01.jpg
PGS. TS. Tô Long Thành: “Vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh bệnh lợn tai xanh có thể lây lan và gây hại cho con người”. Ảnh: Lê Văn.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi bị nhiễm virus lợn tai xanh, có đến 60-70% tế bào đại thực bào bị phá hủy.

Nghĩa là, hệ thống miễn dịch của những con lợn nhiễm virus sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là cơ hội để các mầm bệnh “kế phát” trỗi dậy và tấn công lợn.

Vì vậy, trong môi trường chăn nuôi sạch, lợn nhiễm virus lợn tai xanh có thể chỉ bị giảm trọng, hô hấp kém,…

Tuy nhiên, do môi trường chăn nuôi của Việt Nam không sạch, việc tiêm phòng vacxin lại chưa đầy đủ nên khi lợn bị nhiễm virus lợn tai xanh thì những mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường và bản thân lợn sẽ tấn công và gây ra những bệnh khác.

Hiện nay, người ta cho rằng, lợn chết nhiều khi bị bệnh lợn tai xanh là do các mầm bệnh “kế phát” gây ra. Do tỉ lệ tử vong ở loại virus lợn tai xanh thể độc lực cao là rất lớn, dịch tai xanh trở thành một hiểm họa lớn đối với ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh được rằng, bệnh lợn tai xanh có thể  lây lan trực tiếp sang người.

Song ở đây, mối nguy hiểm mà dịch tai xanh mang lại cho con người chính là ở loại liên cầu khuẩn có khả năng lây sang người, xuất hiện khi hệ miễn dịch của lợn bị suy giảm do bị nhiễm virus lợn tai xanh.

Lợn tai xanh gây ra bệnh liên cầu khuẩn?

Kết quả chẩn đoán cho thấy, có sự tồn tại của nhiều loại vi khuẩn (trong đó có liên cầu khuẩn) trong những con lợn dương tính với bệnh lợn tai xanh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh liên cầu khuẩn lợn là do lợn tai xanh gây ra.

Liên cầu khuẩn  lợn dưới kính hiển vi. Ảnh: JGI.
Liên cầu khuẩn lợn dưới kính hiển vi. Ảnh: JGI.

Theo TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tác nhân gây ra bệnh liên cầu khuẩn là một loại liên cầu khuẩn có tên gọi là Streptococcus suis (S.suis).

Loại vi khuẩn này thường cứ trú ở ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân ở lợn. Trong nhiều trường hợp, người ta cũng tìm thấy loại vi khuẩn này ở các loài lợn rừng, chó, mèo và chim.

Khác với virus lợn tai xanh, liên cầu khuẩn S.suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa và nhiệt độ. Đồng thời có thể điều trị hiệu quả cân bệnh liên cầu khuẩn bằng kháng sinh.

Ông Tô Thành Long cho biết, mối liên quan giữa bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn là ở chỗ, khi các tế bào đại thực bào của lợn bị virus lợn tai xanh phá hủy, khả năng miễn dịch của lợn suy giảm, những liên cầu khuẩn cư trú trong cơ thể lợn bệnh trỗi dậy, tăng sinh, sản sinh độc tố tấn công lợn.

Song không chỉ khi lợn mắc bệnh tai xanh thì liên cầu khuẩn mới xuất hiện. Đồng thời, như đã nói, khi lợn bị bệnh tai xanh cũng không phải chỉ có mình liên cầu khuẩn phát triển và tấn công lợn. Bất cứ khi nào lợn bị bệnh, cơ thể suy yếu thì bệnh liên cầu khuẩn, cũng như những bệnh do vi khuẩn khác đều có thể xuất hiện và tấn công chúng.

Tuy nhiên, bệnh liên cầu khuẩn lợn lại là bệnh có khả năng gây bệnh cho người. Do đó người ta dễ bị lây bệnh này khi tiếp xúc với lợn bị bệnh hay lợn mang vi khuẩn như giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn không nấu chín.

Có thể ăn thịt lợn tai xanh không?

Các chuyên gia đều khẳng định rằng, do virus lợn tai xanh không lây lan và gây bệnh ở người nên sẽ không có những nguy cơ về sức khỏe khi ăn thịt lợn mắc bệnh tai xanh đã được nấu chín.

Tuy nhiên, thịt lợn tai xanh rất có thể mang theo liên cầu khuẩn. Vì vậy, nó có thể trở nên nguy hiểm cho người nếu như tiếp xúc với thịt lợn sống khi mua bán, chế biến hoặc ăn các món không được đun nấu chín, những con đường lây lan của bệnh liên cầu khuẩn.


Mô tả ảnh.
Người dân chỉ nên cảnh giác với loại thịt không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm dịch thú ý. Ảnh: Khuyennongvn.

Do đó, theo ông Tô Long Thành thì người dân không nên ăn thịt lợn mắc bệnh (dù là bệnh tai xanh hay bất cứ bệnh gì), đặc biệt là ăn sống vì thịt lợn bệnh không chỉ kém về chất lượng dinh dưỡng mà còn rất có thể dễ bị lây các vi khuẩn kế phát (như liên cầu khuẩn).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, đối với thịt lợn khỏe, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch thú y người dân vẫn có thể ăn bình thường khi đã đun nấu kỹ.

Như thế, người tiêu dùng không cần phải quá hoang mang hoặc có thái độ “cự tuyệt” thái quá với thịt lợn. Vì “ngay cả trong trường hợp không may ăn phải thịt lợn mắc bệnh tai xanh thì cũng chỉ không đảm bảo về vệ sinh dinh dưỡng chứ không gây hại cho người”, ông Tô Long Thành cho biết. 

Vinavetco
0865.767.286