Tin ngành

Tin tức

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH HEO TAI XANH BẰNG VẮC XIN NHƯỢC ĐỘC (JXA1-R)

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH HEO TAI XANH BẰNG VẮC XIN NHƯỢC ĐỘC (JXA1-R)

tiem vx

Hiện nay, để góp phần bảo vệ tốt đàn heo trước diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh, ngoài áp dụng các biện pháp an toàn sinh học thì bà con chăn nuôi còn có giải pháp hỗ trợ cần thiết đi kèm – đó là sử dụng vắc xin tai xanh.

Trong thực tế, hiệu quả của vắc xin phòng bệnh heo tai xanh phụ thuộc rất lớn vào sựtương đồng kháng nguyên của týp vi rút chứa trong lọ vắc xin và týp vi rút gây bệnh đang lưu hành. Qua các đợt dịch heo tai xanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (2010 – 2012), có một số đàn heo vẫn bị mắc bệnh mặc dù trước đó đã được tiêm phòng vắc xin tai xanh, nguyên nhân chủ yếu là do bà con chăn nuôi sử dụng loại vắc xin tai xanh có týp vi rút không tương đồng kháng nguyên với týp vi rút gây bệnh đang lưu hành.

Để trả lời câu hỏi “Týp vi rút tai xanh nào đang đang lưu hành và gây bệnh trên đàn heo tỉnh Tiền Giang?”, cùng với nghiên cứu dịch tễ của Cục Thú y, Chi cục Thú y đã gửi 4 bộ mẫu của heo mắc bệnh tai xanh để xét nghiệm tại 3 Phòng Thí nghiệm (Cơ quan thú y Vùng VI, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Hàn Quốc). Kết quả cho biết, vi rút gây bệnh heo tai xanh đang lưu hành tại tỉnh Tiền Giang đều thuộc týp Bắc Mỹ, dòng Trung Quốc và có sự tương đồng kháng nguyên của týp vi rút chứa trong lọ vắc xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc.

Để tìm chọn loại vắc xin đưa vào Chương trình quốc gia khống chế bệnh heo tai xanh;từ năm 2010, Cục Thú y và Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương đã khảo nghiệm, thực nghiệm loại vắc xin tai xanh nhược độc  JXA1-R của Trung Quốc. Kết quả cho thấy, vắc xin này có tính hiệu lực và tính an toàn cao.

– Về tính an toàn của vắc xin: Theo dõi tính an toàn của heo sau khi được tiêm phòng vắc xin trong 10 ngày với các chỉ tiêu đánh giá như thể trạng, khả năng tiêu thụ thức ăn, nước uống, vận động, tỉ lệ sống, tỉ lệ chết. Kết quả ghi nhận, vắc xin này hoàn toàn an toàn cho heo được tiêm phòng vắc xin trong 10 ngày.

– Về tính hiệu lực của vắc xin: Công cường độc (gây bệnh) lô heo sau khi tiêm phòng vắc xin 28 ngày (lô thí nghiệm) và lô heo không có tiêm phòng vắc xin (lô đối chứng). Kết quả cho thấy, sau 28 ngày tiêm phòng, đàn heo tỉ lệ bảo hộ tương đối đạt 100%.

Thêm một vấn đề đặt ra cho chủ nuôi là và tính kinh tế? Giá thành vắc xin phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.

Ở Tiền Giang, vắc xin này đã được thử nghiệm năm 2010 và được sử dụng đại trà năm 2011 để chống dịch. Vắc xin được sử dụng trên hai nhóm hộ: Nhóm 1 – hộ không có heo bệnh và nhóm 2 – hộ đang có heo bệnh. Kết quả về heo phát bệnh sau tiêm phòng như sau:

– Nhóm 1 – hộ không có heo bệnh: Heo phát bệnh sau tiêm phòng chiếm tỉ lệ thấp, dưới 0,5%. Tức là tiêm phòng 200 con heo chưa có dấu hiệu lâm sàng thì chỉ có 01 con có biểu hiện bất thường, chủ yếu là heo con theo mẹ hoặc heo sau cai sữa; các hạng heo khác thường ổn định sau tiêm phòng vắc xin từ  5-7 ngày.

– Nhóm 2 – hộ đang có heo bệnh: Heo phát bệnh sau tiêm phòng chiếm tỉ lệ dưới 15%. Tức là tiêm phòng 100 con heo đang có dấu hiệu lâm sàng thì có 15 con được theo dõi và điều trị phụ nhiễm trong 3-5 ngày mà vẫn không có khả năng hồi phục. Số heo còn lại ở nhóm hộ này thường ổn định sau tiêm phòng 7-10 ngày.

Quy trình tiêm phòng vắc xin phụ thuộc vào 3 yếu tố cơ bản:

– Theo khuyến cáo của nhà sản xuất: mỗi loại vắc xin đều có một quy trình tiêm phòng khác nhau. Thí dụ: vắc xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc tiêm mũi đầu tiên cho heo con lúc 14 ngày tuổi và tái chủng sau 4 tháng.

– Áp lực của dịch bệnh: vùng dịch có thể tiêm phòng vắc xin cho heo con sớm hơn và tái chủng sau 1 tháng, sau đó 4 tháng sau tái chủng lại.

– Kháng thể thụ động từ sữa mẹ truyền cho heo con: có nghĩa là heo mẹ có hoặc không có tiêm phòng vắc xin tai xanh. Thí dụ: nếu heo mẹ không có tiêm phòng, heo con có thể tiêm phòng sớm hơn vào lúc 10 ngày tuổi.


Quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh heo tai xanh

Vắc xin

Nhóm heo

Liều tiêm*

Tái chủng

Nhược độc Trung Quốc

 

 

 

Heo con: 2 tuần

1

4 tháng

Heo nái :

1

 

– Trước khi phối giống 30 ngày

– Sau khi đẻ 14-20 ngày

Chống chỉ định trên heo nái mang thai và heo đực giống đang hoạt động

Chú thích: (*) 2ml/1 liều tiêm

 

Tóm lại, vắc xin nhược độc  JXA1-R của Trung Quốc đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch heo tai xanh ở Tiền Giang; đặc biệt trong các đợt dịch, vắc xin này đã góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh lâm sàng và rút ngắn thời gian chống dịch./.


Tác giả: TS Thái Quốc Hiếu, Phó chi cục trưởng, Chi cục thú y Tiền Giang.

Vinavetco
0865.767.286