Tin ngành

Tin tức

Bệnh Lở mồm long móng – Nguyên nhân, biện pháp phòng, chống và điều trị

(Foot and Mouth disease)

Lở mồm long móng (LMLM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra có tính lây lan lớn, xảy ra cấp tính ở động vật nuôi và động vật hoang dã móng đôi (trâu, bò, heo, cừu, dê, hươu, nai, nhím, chó, mèo, thỏ,…). Đặc trưng của bệnh là sốt cao, viêm mụn nước niêm mạc miệng, da vú, móng chân. Ngựa không bị bệnh LMLM.

Căn nguyên

Bệnh do virus Aptovirus, họ Picornaviridae gây ra. Gây bệnh cho trâu, bò ở Việt Nam chủ yếu là do 3 typ O, A và Asia1, cho dê, cừu là do typ A, C nhưng chúng bị nhẹ thôi, heo mẫn cảm cao với typ O, ít mẫn cảm hơn với typ A và Asia1, bởi vậy tùy từng vùng cần dùng vacxin phòng bệnh phù hợp.

Virus rất mẫn cảm với axit và kiềm (môi trường có pH <6 hoặc >10 không bị thâm nhiễm virus). Virus có độ bền cao ở trong thành vảy mụn bong ra. Trên các cánh đồng cỏ vùng núi, virus có thể tồn tại đến mùa cỏ năm sau; ở trong nước bẩn vào mùa lạnh virus có thể sống đến 103 ngày, vào mùa hè đến 21 ngày, mùa thu đến 49 ngày. Trên lông động vật virus sống đến 50 ngày, trên áo quần đến 100 ngày, 2 tuần trong phân khô, 29 ngày trong nước tiểu, còn ở trong chuồng trại đến 70 ngày phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Sữa đun nóng 650C giết chết virus sau 30 phút, nóng 700C sau 15 phút, 80 – 1000C sau vài giây. Trong thịt virus nhanh chóng chết do axit lactic tạo thành. Trong thịt ướp muối và hun khói virus có thể sống đến 50 ngày.

Virus có sức đề kháng cao đối với một số chất hóa học được dùng rộng rãi trong sát trùng, như vôi, phenol và creolin chỉ diệt được virus sau vài giờ. Tốt nhất là các chất chứa formaldehyd (2%) và xút (1 – 2%) diệt nhanh virus trong vòng 10 – 30 phút.

Người có thể nhiễm bệnh LMLM, đặc biệt trẻ em, nhưng quá trình xuất hiện và sinh sản của virus ở trong cơ thể người chưa được nghiên cứu kỹ.

Nguồn lây bệnh là động vật ốm, ủ bệnh, mang trùng (có thể mang trùng > 400 ngày). Bệnh súc thải mầm bệnh ra môi trường theo sữa, nước bọt, nước tiểu và phân.

Bệnh nhiễm chủ yếu qua niêm mạc miệng khi gia súc khoẻ ăn, uống thức ăn, nước nhiễm mầm bệnh. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể gia súc qua da vú và da chân bị tổn thương và đường thở khi nhốt chung gia súc.

Triệu chứng

Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào mức độ mẫn cảm của cá thể gia súc đối với virus, tình trạng sinh lý của gia súc và độc lực của virus. Bệnh điển hình xảy ra ở trâu bò trưởng thành, ở dê cừu con, heo con và bê nghé có thể không điển hình. Bệnh có thể xảy ra với thể lành tính hoặc ác tính. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 36 giờ đến 7 ngày, một số ca đến 21 ngày.

Thể lành tính:

Triệu chứng đầu tiên là bệnh súc sốt cao (410C hoặc hơn). Bệnh súc yếu, mạch nhanh, niêm mạc miệng và mắt đỏ, rối loạn nhai lại và giảm tiết sữa, gương mũi khô, đầu móng phù. Bệnh súc thõng đầu, hay kêu rên, sau đó chảy nhiều nước bọt lúc đầu trong, lỏng, sau đục (như bọt bia) chảy liên tục thành sợi từ miệng xuống đến đất (1.A), kèm theo nghiến răng và hay chép miệng chùn chụt. Bệnh súc nhai thức ăn rất thận trọng, đau khi nuốt, khát và đi khập khiễng. Trên da vành móng và khe móng xuất hiện phù, tăng mẫn cảm. Bệnh súc không muốn đứng bằng chân đau, nên có động tác đứng đổi chân liên tục hoặc đứng lên nằm xuống khó khăn. Sau 3 ngày các mụn nước bị vỡ và thân nhiệt giảm xuống. Thăm khám xoang miệng thấy nhiều tổn thương. Các mụn nước có hình tròn hoặc hơi dài, mép căng do tập trung limpho, dễ vỡ nếu đè tay vào. Các mụn nước đau thường nằm tập trung trên sống lưỡi và to bằng nắm đấm của trẻ em, do đó lưỡi bệnh súc dày lên và cử động khó, có con không thể liếm mũi được (1.B). Đôi khi mụn nước hơi bằng nên sờ nắn mới phát hiện được. Những mụn nước nhỏ thường gặp ở mặt trong má, môi, lợi, vùng không răng của hàm trên và trên vòm họng. Những nốt mụn nước to nằm ở gương mũi. Trên da vành móng và khe móng, đầu tiên hình thành nhiều nốt sần bé như hạt đậu, sau đó các mụn nước to lên bằng quả trứng bồ câu (1.C). Bệnh súc đi khập khiễng, đứng cong lưng, chụm chân hoặc nhấc chân lên đặt xuống liên tục mà bà con quen gọi là “Giã gạo”. Trên da vú chỉ có các mụn nước bé. Đôi khi xảy ra viêm đầu vú cấp tính, vú sưng, đau. Sữa của bò bệnh này phải hủy hoàn toàn.

A. Chảy dãi như bọt bia B. Miệng lở loét. C. Viêm vành móng.

Hình 1. Triệu chứng lâm sàng bệnh LMLM trên trâu, bò (Sưu tầm).

1 – 3 ngày sau các mụn nước vỡ ra tạo thành nhiều nốt loét hình dạng không cố định, mép gãy với nhiều kích thước khác nhau. Nhiều nốt loét phát hiện khắp niêm mạc lưỡi. Bệnh súc chảy nhiều nước dãi sánh kèm nhiều mẫu biểu mô và gân máu.

Do tổn thương niêm mạc thực quản và thanh quản nên bệnh súc khó nuốt và khó thở. Rối loạn nhịp tim. Đôi khi rối loạn chức năng hệ thống thần kinh, như liệt hoặc bán liệt, đi loạng choạng, cơ co giật. Virus LMLM có thể gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc thai yếu. Tỷ lệ chết ở trâu bò là 0,2 – 0,5%. Nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bệnh súc khỏe dần lên sau 3 – 4 tuần.

Nếu chăm sóc nuôi dưỡng không tốt và không can thiệp điều trị hỗ trợ, bệnh có thể biến chứng nặng hơn. Trong xoang miệng xuất hiện tổn thương hoại tử và apxe. Trên chân xuất hiện chín mé và hoại thư, dẫn đến tuột móng và tổn thương sâu vào khớp cũng như gân. Không ít trường hợp vú bị viêm nặng. Nguy hiểm nhất là viêm vú thứ phát do vi khuẩn sinh mủ, liên cầu, tụ cầu dẫn đến phải loại bỏ gia súc.

Thể ác tính:

Thể ác tính biểu hiện rối loạn nặng hoạt động của hệ tim mạch và hệ tuần hoàn máu, thể trạng chung yếu. Không ít trường hợp xuất hiện viêm vú cấp tính và gia súc ngừng tiết sữa, nằm một chỗ. Thể ác tính gây đột tử trong khoảng 7 – 14 ngày sau khi bị bệnh với tỷ lệ chết 70 – 100%. Thể này hay gặp ở gia súc non. Bệnh súc sốt cao, rất yếu, đôi khi bị viêm dạ dày ruột, mạch nhanh và liệt tim. Gia súc non có thể đột tử sau 12 – 30 giờ nhiễm bệnh do viêm cơ tim.

Cừu bị bệnh LMLM tương đối nhẹ hơn so với trâu bò. Triệu chứng chính là bệnh súc sốt cao, trong xoang miệng xuất hiện mụn nước phẳng, sau to dần lên, nhưng thường khó phát hiện. Các mụn nước ở vành móng chân, khe móng thường hình thành vào ngày thứ năm sau khi bị bệnh, nên bệnh súc đi khập khiễng. Nếu bệnh xảy ra trong vụ đẻ, rất nhiều cừu con bị bệnh với tổn thương cơ tim và hệ thống thần kinh trung ương.

Triệu chứng lâm sàng ở heo khác với triệu chứng ở trâu, bò, dê và cừu. Triệu chứng điển hình xảy ra ở móng chân heo. Thời gian ủ bệnh kéo dài 2 – 3, hiếm khi đến 5 – 12 ngày; ở heo đã được tiêm phòng  –  dài hơn 20 ngày. Ngay sau khi kết thúc thời gian ủ bệnh heo sốt (trong khoảng 410C) trong thời gian ngắn, giảm ăn. Trong 2 – 3 ngày heo sụt cân nhanh. Đứng lên hoặc nằm xuống rất khó khăn. Trên chân phần lớn heo bệnh xuất hiện các mụn nước. Thông thường mụn nước phát triển đầu tiên tại vùng da vành móng, về sau kẽ móng chân (2.A). Heo bệnh đi khập khiễng hoặc đứng run 4 chân. Heo bệnh LMLM chảy nước bọt ít hơn so với trâu bò bị bệnh này, nhưng lại hay bị tụt móng hơn (2. B). Trong nhiều trường hợp có các mụn nước ở gót chân, rất hiếm khi thấy ở niêm mạc môi và lưỡi, heo nái đẻ – ở bầu vú (2.C). Heo con thường bị bệnh nặng hơn với tỷ lệ chết đến 20%, chủ yếu do tổn thương tim. Bệnh có thể bội nhiễm các vi khuẩn cơ hội sau khi mụn nước vỡ và thoái hoá cơ tim.

A. Viêm vành móng. B. Viêm tụt móng. C. Mụn nước ở bầu vú.

Hình 2. Triệu chứng lâm sàng bệnh LMLM trên heo (Sưu tầm).

Heo con theo mẹ bị bệnh LMLM không có mụn nước, viêm cata cấp tính đường dạ dày ruột và rối loạn hoạt động tim. Trường hợp nái bầu có miễn dịch kém, đàn con sơ sinh trong vòng 24 giờ bị bệnh bại chân, sốt, phù toàn thân, kêu đau và tỷ lệ chết cao.

Ghi nhận trường hợp bệnh LMLM ác tính xảy ra nặng với tỷ lệ chết cao, kể cả đối với heo trưởng thành. Cũng có trường hợp bệnh xảy ra dạng không điển hình – thường ở đàn có miễn dịch yếu với virus  LMLM và ở đàn heo thường xuyên ăn thức ăn chua.

Heo rừng có sức đề kháng cao hơn nên tỷ lệ ốm ít hơn và điều trị chóng khỏi hơn heo ngoại.

Sau khi phát bệnh từ 10 đến 15 ngày, bệnh súc có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng, nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong con vật từ 3 – 4 tuần đối với heo; 4 tháng đối với dê; 2 – 3 năm đối với trâu, bò và tiếp tục thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Bệnh tích

Bệnh tích đặc trưng có nhiều mụn nước và mụn loét trong xoang miệng, ở vú và ở chân (vành móng và khe chân), đôi khi mụn nước và mụn loét còn phát hiện thấy trong niêm mạc dạ cỏ và dạ lá sách. Bao tim tích đầy dịch trong hoặc hơi đục, cơ tim có nhiều vết xám vàng hoặc vết xám nhạt (tim hổ). Viêm cục bộ ở cơ đùi, phù dạ tổ ong, giãn phổi; biến đổi tuyến tụy, não và tủy xương. Thối xương ngón chân, gân, sưng khớp.

Chẩn đoán

Bệnh LMLM lây lan nhanh, triệu chứng và bệnh tích đặc trưng ở miệng, móng và vú. Trâu bò bị nhiều mụn nước và mụn loét ở miệng, kèm chảy nhiều nước dãi như bọt xà phòng, đùn thành búi to như quả bưởi, ít khi tụt móng, trong khi đó heo bị viêm chân dẫn đến tụt móng rất điển hình.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với các bệnh viêm mụn nước ở miệng, viêm sần ở miệng bò, mụn nước ngoại ban, bệnh ở niêm mạc, bệnh đậu, herper, tổn thương lợi, dịch tả trâu bò, loét da quăn tai, bệnh cước chân.

Viêm mụn nước (Exanthema vesicularis) có các triệu chứng giống bệnh LMLM, điểm khác biệt là bệnh này chỉ xảy ra ở heo và ngựa, không xảy ra ở các loài động vật khác. Ngược lại, ngựa không bị bệnh LMLM.

Tổn thương đậu bò xảy ra ở vú, không có ở miệng và chân, mụn đậu có bờ rõ ràng.

Vết thương ở lợi khi trâu bò thay răng, sây xát do răng nanh cắn phải hoặc do ngoại vật có tính chất cục bộ, không tổn thương ở bộ phận khác, không lây.

Dịch tả trâu bò gây bệnh tích nặng ở ruột và có bệnh tích ở màng mắt.

Bệnh loét da quăn tai ở bò gây loét da quăn tai, da loét hoại tử rụng từng mảng sau tạo nhiều sẹo. Bò bệnh động kinh. Bệnh này xảy ra chủ yếu ở đàn trâu bò nuôi tại các tỉnh miền Trung.

Bệnh cước chân xảy ra do chuồng nuôi ẩm ướt, lạnh nên hệ mao mạch ngoại vi ở chân trâu bò co lại, làm cho máu lưu thông kém nên da bệnh súc tích dịch dày lên, dẫn đến viêm móng. Dần về sau các tổ chức da hoại tử, lan dần sâu vào trong gây hoại thư, làm lộ rõ cả sợi cơ và xương, trâu bò đi lại khó khăn, thậm chí không tự đứng lên được. Như vậy bệnh chỉ xảy ra vào mùa lạnh và ở vùng lạnh giá. Đây là bệnh điều trị được. Trước hết giữ bệnh súc ở chỗ khô, ấm. Khi bệnh mới xuất hiện, giã nhỏ gừng hoà với rượi, hàng ngày xoa bóp vùng chân đau; sau khi vệ sinh sạch, lau khô chân rồi chườm nước ấm, sau 3 – 4 ngày bệnh sẽ khỏi. Nếu bệnh nặng cần xử lý vết thương như dùng oxy già làm sạch, sau đó lau khô và bôi kháng sinh Oxy L.A, ngày một lần, liên tục 3 – 4 ngày hoặc phun sát trùng bằng VINADIN như dưới đây. Kết hợp tiêm long não với liều 15 ml/200 – 300 kg thể trọng.

Khống chế dịch

Thực hiện triệt để các hướng dẫn của cơ quan quản lý Thú y. Đồng thời áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu tác hại của dịch bệnh.

  1. Xử lý ổ dịch

– Nếu dịch mới xảy ra trên diện hẹp, số lượng bệnh súc ít tốt nhất cho xử lý toàn bộ gia súc mắc bệnh, nhất là đối với heo và dê. Biện pháp này có hiệu quả nhất để thanh toán ổ dịch.

– Cách ly triệt để, không xuất nhập gia súc ra vào vùng dịch. Không bán chạy và mổ thịt gia súc bệnh. Trong vùng dịch không được tiêu thụ thịt và các sản phẩm của loài gia súc đang bị dịch.

– Vệ sinh tiêu độc chuồng trại, bãi chăn, khu vực có gia súc ốm chết bằng một trong các loại thuốc khử trùng sau:

+ FORMACIN, Pha 350 ml thuốc trong 100 lít nước sạch, phun đều lên bề mặt chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, 1 – 3 ngày phun 1 lần.

+ B.K.VET, Pha 33 – 40 ml thuốc trong 10 lít nước sạch. Ngày phun 1-2 lần, liên tục 3 – 5 ngày hoặc cho đến khi hết dịch.

+ VINADIN, pha 20 – 25 ml/10 lít nước. Phun nhắc lại sau 5 – 7 ngày.

+ VINA SAFE PLUS, Pha 1 lít thuốc/100 lít nước, phun ướt đều lên các bề mặt như tường, sàn nhà, trang thiết bị.

– Sát trùng sữa của bệnh súc bằng cách đun sôi trước khi đưa ra khỏi khu vực có dịch và trước khi cho gia súc non uống.

– Tiêm vacxin cho gia súc khỏe.

  1. Điều trị.

Bệnh do virus nên không có thuốc đặc trị. Tuy nhiên nếu áp dụng các biện pháp dưới đây cũng mang lại hiệu quả nhất định.

A/ Hộ lý:

– Nhốt bệnh súc một chỗ.

– Cho ăn thức ăn mềm dễ tiêu hoá như thân cây chuối băm nhỏ. Không được cho trâu bò bệnh ăn chỉ cám và cơm nguội, mà cần cho ăn thêm chất xơ. Nếu không trâu bò bị bệnh Liệt dạ cỏ.

– Dùng quả chua như chanh, khế chua, quất… bóp mềm chà nhiều lần vào lưỡi, mặt trong má, hàm trên, lợi bệnh súc.

– Pha 10 – 15 ml VINADIN vào 10 lít nước sạch phun ướt đều vào vết thương ở chân và bầu vú, ngày 1 – 2 lần cho đến khi khỏi bệnh. Ngoài ra, xử lý vết thương bằng nước ozôn, phèn chua, dấm ăn cũng cho kết quả tốt.

B/ Dùng thuốc:

– Tiêm một trong các loại kháng sinh sau để khống chế vi khuẩn bội nhiễm: GENTAMOX, AMOX L.A, GENTATYLODEX, LEPTOCIN, LINCOSEP (1 ml/10 kg thể trọng, ngày một lần trong 3 – 5 ngày) hoặc TYLOFLOVIT (1 ml/10 – 15 kg thể trọng, tiêm 2 mũi cách nhau 48 giờ).

– Tiêm bắp VINA-PARA K.C AMIN (Trâu, bò: 20 ml/con; Heo, dê, cừu: 7 ml/con), ANALGIN C (1 – 2 ml/10 kg thể trọng), ngày một lần trong 3 – 4 ngày hoặc GLUCO K.C AMIN (1 ml/20 kg thể trọng/lần, có thể tiêm nhắc lại sau 48 giờ) để giảm đau hạ sốt.

– Tiêm thuốc trợ tim CAFEIN (Trâu, bò: 10 – 25 ml/con; Heo, bê, nghé: 3 – 7 ml/con), thuốc bổ VINATOSAL (10 – 20 ml/con) hoặc B.COMPLEX INJ (5 – 10 ml/con), ngày một lần trong 3 – 5 ngày.

  1. Xử lý xác chết

Biện pháp tốt nhất là đốt xác hoặc chôn sâu, tiêu độc và xử lý môi trường xung quanh khu vực có gia súc bệnh và những vật dụng có liên quan đến bệnh súc.

Dùng một trong các chất sát trùng sau để xử lý hố chôn xác bệnh súc:

+ FORMACIN, Pha 1 lít thuốc trong 100 lít nước sạch.

+ B.K.VET, Pha 70 ml thuốc trong 10 lít nước sạch.

+ VINADIN, pha 100 ml/10 lít nước.

+ Rắc vôi bột.

Phòng bệnh

– Tiêm vacxin: Tiêm vacxin phòng bệnh LMLM cho gia súc non lần đầu vào lúc 4 – 7 tuần tuổi, sau 4 tuần tiêm nhắc lại mũi thứ hai. Sau đó 6 tháng tiêm nhắc lại một lần. Toàn đàn tiêm đại trà 2 đợt năm. Nếu tiêm vacxin lạnh thì chỗ tiêm sưng dễ thành apxe. Theo kinh nghiệm của thú y cơ sở, cần nắm bơm tiêm có vacxin một lúc, đợi vacxin ấm lên tiêm thì an toàn.

Cách sử dụng vacxin:

+ Nếu trâu bò có miễn dịch từ mẹ truyền cho thì tiêm mũi đầu vào giai đoạn 3 – 4 tháng tuổi; tiêm nhắc lại lần 1 vào 4 – 6 tuần sau khi tiêm mũi đầu; tiêm nhắc lại lần 2 vào 4 – 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại lần 1.

+ Nếu trâu bò không có miễn dịch từ mẹ truyền cho thì tiêm mũi đầu vào giai đoạn 2 – 3 tháng tuổi; tiêm nhắc lại lần 1 vào 4 – 6 tuần sau khi tiêm mũi đầu; tiêm nhắc lại lần 2 vào 4 – 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại lần 1.

+ Liều tiêm: 2 ml/trâu, bò. Miễn dịch kéo dài 12 tháng.

– Chăn nuôi an toàn sinh học: Thực hiện đầy đủ công tác vệ sinh tiêu độc thú y. Đảm bảo thức ăn đầy đủ dinh dưỡng. Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn sự xâm nhập mầm bệnh vào cơ sở, cũng như không cho mầm bệnh phát tán ra môi trường xung quanh.

 

Vinavetco
0865.767.286