Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn(Streptococcal infection)
Tác nhân gây bệnh
Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn còn gọi là bệnh nhiễm Streptococcus. Streptococcus suis là vi khuẩn thường xuyên có mặt ở lợn nuôi trên khắp thế giới. Vi khuẩn sống trong amidan, trong điều kiện bình thường vi khuẩn không gây bệnh cho lợn.
Khi có các điều kiện bất lợi như stress, vi khuẩn gây bệnh cho vật chủ với các dạng: viêm màng não, viêm phổi, “Hội chứng lợn con gầy còm”, viêm khớp, màng van tim, cơ tim, bao tim, đa thanh mạc, sẩy thai. Liên cầu khuẩn là bệnh thứ phát chiếm ưu thế trong bệnh Tai xanh (PRRS), gây nhiều tổn thất cho ngành chăn nuôi.
Ngoài gây chết lợn, bệnh còn gây viêm màng não, gây điếc, suy đa phủ tạng dẫn đến chết người (do ăn tiết canh, lẩu tái… thịt lợn ốm).
Một nguồn chứa mầm bệnh nguy hiểm là nước uống của lợn, kể cả nước khoan sâu 30 – 40m.
Triệu chứng
Lợn mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu, nhưng hay bị nhất lợn con mới sinh và lợn cai sữa. Thời gian nung bệnh kéo dài 1- 2 ngày, có khi đến 7 ngày.
Trường hợp quá cấp lợn chết rất nhanh. Lợn bệnh sốt rất cao, chán ăn, lờ đờ, thẫn thờ và yếu. Một số có triệu chứng thần kinh như mất thăng bằng, liệt ngồi có tư thế như “Chó ngồi”, đi lại chập chững, ưỡn người ra phía sau, run rẩy, co giật. Một số lại mù, điếc, đi lại khập khiễng, què. Viêm khớp trong các ca bệnh mãn tính.
Bệnh tích
Mổ khám lợn chết dạng quá cấp và cấp tính thấy xuất huyết nhiều ở thanh mạc và niêm mạc. Lợn viêm màng não, phù thũng, tụ máu não và màng não, có nhiều dịch não tủy màu đục. Trường hợp nhiễm trùng máu xác chết có màu đỏ, nhu mô và các hạch limpho sưng. Viêm thượng tâm vi có fibrin và viêm tăng sinh van 2 lá của tâm thất trái. Viêm đa khớp có mủ. Lợn chết chảy máu mồm, máu mũi. máu loãng khó đông.
Tích dịch máu trong các xoang ngực, bụng. Phủ màng fibrin màng phổi, bao tim, lá mỡ và bề mặt gan. Thùy đỉnh và thùy tim phổi đặc lại, đôi khi có những đám sung huyết lẫn ổ viêm bã đậu. Lách sưng màu đỏ thẫm, vỏ lá lách căng, mép tròn. Dưới vỏ lách có xuất huyết điểm hoặc từng đám. Lách đặc, dai nên khi cầm vào có cảm giác như cầm miếng cao su.
Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết quả điều tra dịch tễ và xét nghiệm mẫu phủ tạng, máu, dịch rỉ viêm hoặc dịch viêm khớp.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với các bệnh Dịch tả lợn, Giả dại, Đóng dấu, Haemophillus, Viêm phổi-màng phổi ở lợn và Toxoplasma.
Dịch tả lợn gây viêm màng não biểu hiện thần kinh. Giả dại gây thần kinh, lợn con bị nặng hơn, đứng quì hai chân trước. Đóng dấu lợn cũng gây viêm khớp, da nổi nhiều dấu đặc trưng. Haemophillus gây viêm phổi và đường hô hấp trên. Viêm phổi – màng phổi lợn, bệnh Toxoplasma gây lợn con sốt cao, viêm phổi; lợn lớn yếu, run rẩy nhưng không sốt; lợn nái sẩy thai, đẻ thai gỗ, đẻ non.
Cần biệt phân biệt “Hội chứng gầy còm lợn con” với đàn lợn gầy do thiếu ăn, dinh dưỡng kém. Do lợn cai sữa chết đột ngột và có triệu chứng thần kinh nên cần phân biệt với bệnh Phù đầu lợn con, tai xanh.
Điều trị
Hộ lý.
– Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để giảm thiểu stress, nuôi giãn mật độ, chuồng thông thoáng, vệ sinh đảm bảo.
– Ngừng phẫu thuật gây chảy máu (cắt đuôi, cắt số tai, thiến hoạn… ) làm cho bệnh lan nhanh hơn.
– Phun thuốc sát trùng (VINA SAFE PLUS, VINADIN, B.K.VET), thuốc diệt ruồi (VINAMOS, 10ml/lít nước, 10 – 15 ngày phun 1 lần) vì vi khuẩn liên cầu sống trong cơ thể ruồi được trên 5 ngày.
Dùng thuốc.
Đây là bệnh điều trị được, can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao. Những ca bệnh thần kinh, nằm co giật rất khó điều trị. Cần điều trị cả đàn và cá thể ốm.
Cho cả đàn ăn/uống 5 ngày một trong các loại thuốc sau:
– Vinacol hoặc Vinaflor 4% (1g/20kgP/lần, 2lần/ngày hoặc 1g/lít nước); Vina-flo Oral 20% (1ml/4 lít nước hoặc 5ml/400kg TT/lần, 2 lần/ngày) hoặc Vinaflocol 50% (1g/10 lít nước hoặc 1g/200kg TT/lần, 2 lần/ngày) để diệt vi khuẩn.
– Đồng thời cho ăn/uống Panadol TW1, 10g/150kg TT/lần, 2 lần/ngày để hạ sốt. Thuốc rất an toàn đối với lợn bệnh có triệu chứng xuất huyết.
– Điện giải+Bcomplex (10g/4 – 10 lít nước hoặc 100g/400-1000kg TT/lần, 2 lần/ngày) hoặc Stress-bran (1g/2,5 – 3 lít nước) cho đến khi lợn bệnh hết sốt.
Đối với cá thể có triệu chứng lâm sàng:
– Tiêm thêm 3 – 5 mũi một trong các loại kháng sinh sau: Vinaflocol (1ml/15kg TT/lần, tiêm 2 – 3 mũi cách nhau 48 giờ), Gentamox, Tyloflovit, Flordoxin (1ml/10kg TT/lần), Gentatylodex (1ml/12 – 15kg TT) hoặc Vinaenro 5% (1ml/20kg TT), 1 lần/ngày.
– Tiêm bắp Vina-paragin (3ml/10kg TT/lần) hoặc Analgin C (1 – 2ml/10kg TT/lần), 1 – 2 lần/ngày để hạ sốt.
Không tiêm hoặc cho uống Aspirin, Ketoprofen để hạ sốt, vì thuốc có thể gây xuất huyết nhiều hơn.
Phòng bệnh
Thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng trại, tích cực diệt ruồi. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, hạn chế stress. Chuồng thông thoáng, không nhốt gia súc quá chật. Hạn chế tối đa dùng đến phẫu thuật.
NGƯỜI BIÊN SOẠN
Cố vấn kỹ thuật
Ts.Bs. Trần Văn Bình
0981.928.956