CÁC BỆNH SÁN DÂY TRÊN CHÓ
BỆNH SÁN HẠT DƯA (Dipylidiosis).
Đây là bệnh sán dây lây giữa động vật (chó, chó sói, mèo, cáo) và người do sán Dipylidium caninum gây ra. Gọi là sán hạt dưa vì đốt sán già rụng theo phân ra trông giống hạt dưa. Bệnh có tên khác là “Sán dải chó”
Hình 1. Sán hạt dưa (Nguồn: CDC).
Vòng đời
Sán trưởng thành sống trong ruột non vật chủ cuối cùng (chó, chó sói…), ấu trùng sán dây sống trong vật chủ trung gian (bọ chét, chấy rận). Chó, mèo và trẻ em bị bệnh sán hạt dưa khi nuốt phải các loại ngoại ký sinh trùng của người và gia súc không có cánh nhiễm mầm bệnh sán. Bởi vậy, một số người dùng tay bắt giết chấy rận chó và để trẻ em chơi với chó có chấy rận là rất nguy hiểm (Hình 2).
Hình 2. Chu trình phát triển của D.caninum (Nguồn: CDC)
Triệu chứng
Khi nhiễm bệnh nhẹ (chỉ một vài cá thể sán) biểu hiện bệnh không rõ ràng (thể ẩn). Khi nhiễm bệnh nặng đặc trưng khẩu vị bệnh súc thay đổi (hay gậm mút lung tung), yếu, gầy, tiêu chảy phân tanh khẳm, đôi khi lẫn máu hoặc táo bón, co thắt ruột, nôn mửa liên tục và có triệu chứng thần kinh.
Chẩn đoán
Có thể phát hiện chó, mèo bệnh bài tiết sán (hoặc đốt sán) theo phân ra ngoài. Soi phân tìm trứng sán (Hình 3). Một đặc điểm dễ nhận biết là chó ăn khoẻ nhưng gầy, thiếu máu, rụng lông, chó bệnh hay kỳ mông xuống nền sân.
Điều trị
– Cho uống VINA-ALBEN CM, 1 viên/5kg thể trọng, 1 liều duy nhất để tẩy sán.
– Cho uống men ENZYMBIOSUB, gói 5 g/5 – 10 kg thể trọng, 1 – 3 lần/ngày để ổn định hệ vi khuẩn đường ruột.
– Cho uống thuốc bổ, trợ lực LIVER-TONIC, 1 – 2 ml/10 kg thể trọng, ngày 1 lần trong 3 – 5 ngày để bệnh súc chóng khoẻ.
– Nếu bệnh súc tiêu chảy nặng cần cho uống VINA-MECTA.
Trong thời gian điều trị nhốt chó, thu dọn phân đốt để diệt sán tận gốc.
Phòng bệnh
Đảm bảo cho chó, mèo ăn sạch, ở sạch. Chó dưới 2 tháng tuổi định kỳ cho uống VINA-ALBEN CM, tháng một lần, chó lớn tẩy 6 tháng một lần. Tích cực diệt các loại ngoại ký sinh trùng.
BỆNH SÁN CÁ
(Dibothriocephalus latus)
Sán dây phổ biến của bệnh sán cá là Dibothriocephalus latus (trước đây có tên gọi là Diphyllobothrium latum) sống trong ruột non của vật chủ cuối cùng (chó, mèo, cáo và người). Bệnh này còn gọi là “Sán xơ mít” vì đốt sán già theo phân rụng ra ngoài giống xơ mít
Hình 4. Sán xơ mít (Sưu tầm)
Vòng đời
Sán cá có vòng đời phát triển phức tạp qua vật chủ cuối cùng và một số loài cá. Chó, người nhiễm bệnh do ăn gỏi cá, lẩu cá, rượu mật cá hoặc cá muối nhiễm ấu trùng sán (dài 6 mm). Ấu trùng sán cá sống trong cơ, mô lỏng lẻo dưới da và trong trứng cá. Bởi vậy, vì sao người ta khuyến cáo cho chó ăn thịt, cá sống rõ nguồn gốc, tức là không có mầm bệnh và người không ăn gỏi cá…
Sán cá sống trong ruột non mèo 1 tháng, chó – 1,5 – 2 năm, ở người 10 – 20 năm
Hình 5. Vòng đời của sán cá (Sưu tầm)
Triệu chứng
Gia súc non (dưới 6 tháng tuổi) nhiễm bệnh sán cá biểu hiện thần kinh (u mê, co giật), thay đổi khẩu vị và thiếu máu.
Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng (biểu hiện thần kinh), thấy đốt sán thải ra ngoài theo phân và soi phân tìm trứng (Hình 1b).
Điều trị
Dùng thuốc như tẩy sán hạt dưa.
Phòng bệnh
Không cho chó, mèo ăn cá nước ngọt sống bắt từ vùng có bệnh sán cá.
CÁC LOÀI SÁN DÂY HỌ TEANIA TRÊN CHÓ, MÈO
(Taenia Species Tapeworms in Dogs and Cats)
Căn nguyên
Họ Taeniidae gồm nhiều loài sán dây dài 4 – 5 m ký sinh trong ruột non chó, mèo và các loài ăn thịt khác. Chính các loài gia súc này là nguồn lây nhiễm ấu trùng cho người và các loài gia súc khác.
Trong số Teania chó, mèo gây bệnh phổ biến nhất là Multiceps multiceps, Teania hydatigena, Teania ovis, Teania pisformis sống dưới dạng ấu trùng ở nhiều loài động vật gây tổn thương các cơ quan và mô, ở loài ăn thịt – sán dây trưởng thành.
Vòng đời
Sán dây ký sinh trong ruột non chó và nhiều loài động vật ăn thịt khác, còn ấu trùng (bọc nước) di chuyển vào các cơ quan, trong màng treo, cơ, não, tủy sống,… của vật chủ trung gian. Trường hợp này gọi là bệnh “Ấu trùng sán chó”.
Dịch tễ bệnh
Sán dây sống trong ruột non chó, mèo và thải ra môi trường trứng và đốt sán. Trứng sán theo thức ăn và nước uống xâm nhập vào ruột các loài gia súc khác. Kết quả mổ khám 3 huyện tại Phú Thọ cho thấy chó có tỷ lệ nhiễm sán dây Taenia hydatigena là 35,14%, trâu, bò, lợn nhiễm ấu trùng sán dây Cysticercus tenuicollis là 23,10%, cường độ nhiễm là 1 – 56 ấu trùng sán/con (Nguyễn Thị Kim Lan và Cs., 2011).
Triệu chứng
Phụ thuộc vào cường độ nhiễm bệnh. Thường chó, mèo bệnh bị rối loạn tiêu hóa, gầy, thay đổi khẩu vị, đôi khi lại háu ăn. Bệnh súc không yên tĩnh, kêu không rõ nguyên nhân, luôn thay đổi vị trí, hay cắn. Nhiều khi ngứa vùng hậu môn, lê mông. Chó bệnh nôn, co giật.
Sán dây tác động cơ học lớn lên thành ruột non làm teo nhung mao ruột, bong niêm mạc và giảm chức năng của chúng.
Phân hủy thức ăn trong ruột bị thối gây nhiễm độc thứ phát. Do viêm dạ dày – ruột tiến triển nên vitamin bổ sung vào theo thức ăn bị vi khuẩn phá hủy, hậu quả chó bệnh mắc thêm bệnh thiếu vitamin. Loạn khuẩn trong bệnh sán dây làm cho hoạt động của đường tiêu hóa xấu đi trầm trọng.
Hồng cầu, haemoglobin trong máu giảm, bạch cầu và bạch cầu ái toan tăng.
Miễn dịch
Chó khỏi bệnh lại tái nhiễm.
Chẩn đoán
Dựa vào kết quả điều tra dịch tễ và triệu chứng lâm sàng. Mổ chó tìm sán dây trong ruột non.
Điều trị
Phòng trị bệnh như các loài sán dây kể trên.