BỆNH VIÊM BIỂU BÌ TIẾT DỊCH Ở HEO (EXUDATIVE EPIDERMITIS IN PIGS)
Viêm biểu bì tiết dịch là một bệnh viêm da toàn thân xảy ra ở heo 5 đến 60 ngày tuổi và có đặc điểm là khởi phát đột ngột, tỷ lệ mắc bệnh là 10% – 90% và tỷ lệ tử vong là 5% – 90%. Nó đã được báo cáo ở hầu hết các khu vực chăn nuôi heo trên thế giới. Bệnh này bà con còn gọi là bệnh “Viêm da tiết dịch” hay “Viêm da do tụ cầu”.
Nguyên nhân:
Bệnh do cầu khuẩn Staphylococcus hyicus gây ra. Bệnh hay xảy ra vào mùa rét hoặc sau đợt dịch tai xanh.
Triệu chứng:
– Bệnh có thể xảy ra ở thể cấp tính và thể mãn tính. Thể cấp tính xảy ra ở heo con theo mẹ, thể mãn tính xảy ra ở heo con cai sữa. Heo nái thường bị thể mãn tính và truyền bệnh nguy hiểm cho đàn con.
– Heo con theo mẹ giảm bú, gầy, da viêm tiết nhiều dịch, lông dính bết vào nhau (bà con hay gọi là ghẻ dầu). Vẩy khô có màu nâu, lật lớp vẩy lên thấy nhiều đường nứt trên da, heo bệnh đứng dúm người. Nếu viêm quanh miệng heo con bú rất khó khăn. Heo con theo mẹ có thể chết hoặc sống sót còi cọc chậm lớn.
– Đàn heo sau cai sữa và vỗ béo bị nhẹ hơn với tỷ lệ chết thấp, nhưng chậm lớn. Có thể bị viêm tiết dịch đóng vẩy, hoặc trên da có nhiều đám viêm to, chủ yếu ở vùng da hai bên mông, hông. Dễ nhầm với nốt đậu hoặc ghẻ nhiễm trùng hoặc da loang lổ như bị hắc lào. Heo bệnh không ngứa.
Hình 1. Viêm da tiết dịch:
Bệnh tích:
Bệnh tích chủ yếu trên da heo bệnh. Do dịch tiết ra nhiều nên lông heo dính bết vào nhau, nhiều con bị viêm dính quanh miệng nên bú rất khó khăn dẫn đến chết.
Chẩn đoán:
Dựa trên triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán trong labo.
Chẩn đoán phân biệt:
Cần chẩn đoán với bệnh ghẻ, viêm da do thiếu kẽm, bệnh vảy phấn hồng và viêm da do virus cầu vòng.
Bệnh ghẻ:
Bệnh ghẻ do Sarcoptes scabiei đào hang và ký sinh trong da và cái ghẻ Demodex hay còn gọi là ghẻ bao lông gây viêm da kèm triệu chứng ngứa. Bệnh lây toàn đàn và khó điều trị vì cái ghẻ sống lâu trong môi trường chăn nuôi (2a).
Bệnh viêm da do thiếu kẽm (Zn):
Heo dễ mắc bệnh vào giai đoạn 20 – 60 kg thể trọng, nái bầu dễ bị bệnh vào giai đoạn chửa ký II do cho ăn cám khô, nhiều ngô hoặc đạm thực vật, thức ăn quá nhiều canxi. Heo bị rụng lông và lở loét da giống như bị ghẻ, nấm, và viêm da tiết dịch, điểm khác biệt là nó không bị ngứa như bị ghẻ hoặc nấm. Nái hậu bị hoặc cai sữa phối nhiều lần không đậu thai. Đối với viêm da tiết dịch thì thường xảy ra ở heo con theo mẹ hoặc sau cai sữa. Nếu bị nhiễm trùng, các nốt loét sinh mủ dày lên thành mảng (2b).
Bệnh vảy phấn hồng (Pityriasis rosea): Đặc trưng bởi các bệnh tích lớn, liên kết với nhau, giống với bệnh nấm da (ringworm). Bệnh tích có hình tròn và thường bắt đầu ở bụng và kéo dài đến chân sau. Trong trường hợp nghiêm trọng, chúng có thể lan rộng đến toàn bộ cơ thể. Bệnh tự khỏi sau 6 – 8 tuần (2c).
Bệnh viêm da do virus cầu vòng (Porcine circovirus): Đây là bệnh do virus gây ra làm giảm nghiêm trọng năng suất chăn nuôi và tốn kém chi phí. Bệnh còn có tên khác là Hội chứng còi cọc hoặc Hội chứng viêm da và viêm thận. Đặc trưng của bệnh là viêm da, còi cọc và viêm thận xảy ra ở đàn heo 6 – 16 tuần tuổi (2d).
Hình 2. Một số bệnh gây viêm da trên heo:
a. Bệnh ghẻ heo |
b. Bệnh viêm da do thiếu kẽm (sưu tầm) |
c. Bệnh vảy phấn hồng |
d. Bệnh viêm da do Circovirrus (sưu tầm) |
Điều trị:
Đây là bệnh điều trị được nhưng phải kiên trì, đặc biệt khi đàn nái sinh sản mang mầm bệnh. Kết hợp vệ sinh sát trùng chuồng trại và dùng kháng sinh. Điều trị cả đàn con và nái nuôi con.
Đối với đàn heo con:
– AMOX LA 15% (1 ml/10 kg thể trọng), LINCOSEPTIN, PNEUMOTIC (1 ml/5 kg thể trọng), hoặc VINAENRO 5% (1 ml/10 – 20 kg thể trọng), tiêm bắp ngày 1 lần trong 3 – 5 ngày.
– VINA-DEXAFORT, tiêm bắp 1 – 3 ml/con để chống viêm.
Đối với đàn nái:
AMOX 50 hoặc AMOXCOL, cho ăn 1 g/50 kg thể trọng/lần, 2 lần/ngày trong 7 ngày, cho ăn liên tục 2 – 3 đợt ( 1 đợt 7 ngày) cách nhau 7 ngày.
Chú ý:
– Nếu heo ghép bệnh ghẻ cần tiêm dưới da VINAMECTIN (1 ml/12 kg thể trọng) hoặc IVERECTIN (1 ml/33 kg thể trọng), tiêm 2 mũi cách nhau 7 – 10 ngày.
– Có thể bôi xanh methylen lên vùng da viêm để sát khuẩn.
– Phun sát trùng chuồng trại (FORMACIN, VINADIN, B.K.VET) để diệt mầm bệnh trong môi trường.
Phòng bệnh:
– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chuồng trại khô ráo, độ ẩm không quá 70%, nhiệt độ không quá nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Định kỳ phun sát trùng chuồng trại (Formacin).
– Tại cơ sở chăn nuôi có nguy cơ xảy ra bệnh viêm da tiết dịch cần cho cả đàn nái ăn thuốc AMOX 50 hoặc AMOXCOL 7 ngày một đợt, liên tục 2 – 3 đợt cách nhau 7 ngày sẽ diệt được mầm bệnh tụ cầu và các bệnh khác như MMA, phân trắng trên heo con.