BỆNH NẤM DIỀU GÀ
(Crop Mycosis)
Căn nguyên
Bệnh nấm diều là một bệnh nấm cơ hội ở đường tiêu hóa của nhiều loài gia cầm khác nhau, bao gồm gà, gà tây, bồ câu và chim cút, do nấm Candida spp (chủ yếu là Candida albicans) gây ra. Nấm phát triển trong điều kiện thích hợp 370C. Nó có thể phát triển ở nhiệt độ phòng, trên các loại củ (khoai tây, củ cải đường, cà rốt) và trên nhiều môi trường nhân tạo. Bệnh nấm diều còn có tên khác là tưa miệng (Thrush), diều chua (Sour crop) hoặc bệnh nấm Candida albicans (Candidamycosis in Poultry).
Dịch tễ bệnh
Nấm Candida albicans gây bệnh các loài gia cầm, gà tây, gà phi, bồ câu, ngỗng, gà lôi, chim trĩ, gà gô và cút. Gia cầm con dễ mắc bệnh hơn gia cầm lớn. Trong đàn gà tây bệnh hay xảy ra thành từng đợt dịch.
Trong điều kiện bình thường, diều nhiều gia cầm có mầm bệnh nhưng về lâm sàng chúng vẫn ăn uống bình thường, khi có điều kiện thuận lợi nấm gây thành dịch. Các điều kiện làm cho dịch bệnh nổ ra: chăm sóc nuôi dưỡng kém, bị bệnh vi rút, vi khuẩn, nấm, cũng như sử dụng dài ngày kháng sinh có phổ tác dụng rộng. Nếu nấm Candida albicans ghép với Aspergilosis thì tỷ lệ gà bệnh chết càng cao.
Triệu chứng
Bệnh thường xảy ra ở gà 2 tuần tuổi và tỷ lệ chết tăng dần đến 6 tuần tuổi. Trong một số trường hợp bệnh có thể gây chết đến 75% tổng đàn. Những gà bệnh sống sót gầy, giảm giá trị kinh tế nên loại thải.
Niêm mạc khoang miệng có chất phủ màu trắng ngà giống màng giả, có mùi hôi. Thể cấp tính xảy ra ở gà 5 – 10 ngày tuổi. Triệu chứng đặc trưng là diều căng to bất thường, mềm, đau khi sờ nắn (1a). Gà bệnh chậm lớn, yếu, ăn kém, lông xù. Vặt sạch lông quan sát từ ngoài thấy diều chứa đầy nước màu đục, xách ngược gà lên dịch trong diều chảy thành dòng (1b). Một số ca bị tiêu chảy (1c). Gà thường chết sau 3 – 4 ngày bị bệnh. Gà bệnh dễ đột tử. Gà bệnh co giật trước khi chết.
Thể á cấp tính xảy ra ở gà 10 ngày đến 2 tháng tuổi.
Thể mãn tính hay xảy ra ở gà trên 2 tháng tuổi và thường gà sẽ tự khỏi bệnh.
Gà các lứa tuổi có tỷ lệ chết khác nhau. Gà 30 ngày tuổi chết 40 – 60%, 60 ngày tuổi: 15 – 20%, gà trên 3 tháng tuổi chết không đáng kể.
Chúng tôi ghi nhận trường hợp gà Ai cập 10 ngày tuổi đã bị bệnh, điều trị khỏi nhưng qua một tháng tuổi lại tái nhiễm. Điều đó chứng tỏ gà khỏi bệnh có miễn dịch kém với Candida albicans (Trần văn Bình, 2011).
Hình 1. Gia cầm bệnh nấm diều.
a. Diều gà bệnh to bất thường | b. Xách ngược gà rất nhiều dịch viêm chảy ra. | c. Gà bệnh tiêu chảy phân trắng. |
Bệnh tích
Bệnh tích tập trung chủ yếu trong đường tiêu hóa.
Niêm mạc khoang miệng, hầu, thực quản, diều và dạ dày tuyến phủ mảng bám màu trắng, trắng xám hoặc hơi vàng, có thể bị loét (1a).
Tổn thương nhiều nhất ở diều. Diều gà bệnh chứa đầy dịch đục, mùi chua, hầu như không có mẫu thức ăn nào (2a). Niêm mạc diều sưng dày lên trông rõ từng phần, có nhiều đám loét hoặc các nốt mụn màu trắng (2b). Mô diều tổn thương bóc ra từng mảng hoặc sau khi bong ra để lại những mẫu thịt màu xám trông như khăn bông gấp lại nhiều lần.
Dạ dày tuyến sưng, phủ dịch cata hoặc hoại tử. Đám hoại tử có thể to như đầu đũa hoặc hơn, rìa mép lồi lõm. Thịt trong đám hoại tử có màu đỏ thẩm.
Niêm mạc dạ dày cơ sưng, bở, dễ bóc (2c).
Ruột viêm cata và thường chứa chất giống như cháo nhão màu xám trắng hoặc hơi đỏ. Nhiều trường hợp các chất này dày lên trông tựa như “sợi phở”. Đôi khi thấy bề mặt gan, thận và tim tổn thương hoại tử cục bộ.
Hình 2. Bệnh tích gia cầm bệnh nấm diều.
a. Diều gà bệnh chứa nhiều dịch có mùi chua. | b. Niêm mạc diều có nhiều nốt nấm. | c. Niêm mạc dạ dày cơ dễ bóc ra. |
Chẩn đoán
Căn cứ kết quả điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và mổ khám bệnh tích. Kết quả nuôi cấy có thể dương tính nhưng chưa chắc gà đã bị bệnh. Chỉ kết luận khi nấm mọc với số lượng lớn và phụ thuộc vào kinh nghiệm chẩn đoán của kỹ thuật viên.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt với bệnh thiếu vitamin A. Khi thiếu vitamin A gà cũng co giật giống như bị nấm Candida albicans.
Bệnh Thiếu vitamin A xảy ra ở gà và gà tây 1 – 7 tuần tuổi. Triệu chứng đặc trưng là gà bệnh yếu chân nên khuỳnh chân, đi loạng choạng, sụt cân và giảm ăn, lông xơ xác, mào tích nhợt nhạt, mắt đầy dịch viêm. Gà chết trong khoảng 6 – 10 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Bệnh xảy ra do chất lượng thức ăn không đảm bảo. Bệnh dừng khi thay thức ăn cân đối về dinh dưỡng.
Điều trị
Hộ lý:
– Thông thoáng chuồng nuôi tốt. Giữ chuồng khô, ấm. Chất độn chuồng phải khô.
– Vệ sinh chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Loại bỏ thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh, mốc.
– Dừng sử dụng các loại kháng sinh đang dùng dài ngày.
Dùng thuốc:
Cho cả đàn uống trong 5 – 7 ngày đồng thời các loại thuốc sau:
– VINA-FLUNASOL Plus, 1 ml/ 3 – 5 kg thể trọng/ngày hoặc 2 ml/ 1,5 lít nước uống.
– AMOX 50, 1 g/25 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/5 lít nước uống hoặc 2 g/5 kg thức ăn.
– LIVER-TONIC, 1 ml/10 – 15 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 ml/2 – 3 lít nước uống hoặc 1 ml/1 – 1,5 kg thức ăn.
Phòng bệnh
– Vệ sinh tiêu độc sau mỗi lứa gà.
– Nuôi gà trong chuồng thông thoáng không khí, khô, sạch, chất độn chuồng sạch, không lẫn nấm mốc. Thức ăn cân đối về dinh dưỡng.
– Không dùng kháng sinh phổ rộng dài ngày.
– Cho đàn gà uống 5 ngày VINA-FLUNASOL Plus vào giai đoạn bệnh dễ xảy ra.
– Trứng gà lấy từ đàn bố mẹ có vấn đề về bệnh nấm diều (cũng như các bệnh khác) để ấp phải được xử lý bằng dung dịch Iod hoặc nhúng 30 giây trong dung dịch sát trùng FORMACIN, hoặc B.K.VET, pha 10 ml trong 10 lít nước sạch.
– Các loại thuốc khác cho hiệu quả cao trong phòng trị bệnh nấm diều gia cầm là: Nystatin, CuSO4 (1 g/4 lít nước, cho uống 2 giờ/ngày, liên tục trong 3 – 4 ngày).
– Sử dụng kháng sinh hợp lý.
– Đảm bảo chế độ ĂN SẠCH, Ở SẠCH, UỐNG SẠCH. Vì gà nhiễm nấm chủ yếu qua 3 đường này.
Biên soạn: TS. CV. Trần Văn Bình