Bệnh lỵ ở heo
(Swine dysentery)
Bệnh lỵ ở heo (SD) chỉ xảy ra ở heo mặc dù tác nhân gây bệnh lây nhiễm và tồn tại ở loài gặm nhấm. Mọi lứa tuổi của heo đều có thể mắc SD mặc dù hiếm khi biểu hiện ở heo con dưới ba tuần tuổi. Bệnh xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn phát triển/vỗ béo heo.
Nguyên nhân
Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Brachyspira (trước đây gọi là Serpulina hoặc Treponema) hyodysenteriae gây viêm ruột già hoại tử, heo tiêu chảy phân lẫn máu và nhầy. Các sinh vật khác trong ruột già, đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí, có thể tạo điều kiện cho quá trình xâm chiếm và hình thành tổn thương. B. hyodysenteriae có khả năng sống sót trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt, tia cực tím (UV) và khô hạn, cũng như vôi bột, xà phòng và các chất khử trùng.
Dịch tễ bệnh
Sự lây truyền của B. hyodysenteriae là do heo ăn phải phân có chứa vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn tại trong nước ao hồ ít nhất hai tháng, phân ẩm trong hai tháng và đất trong 18 ngày. Chuột được báo cáo là vật thải ra B. hyodysenteriae trong 180 ngày và chó trong 13 ngày. Vi khuẩn này có thể lây truyền qua chim, ruồi và dụng cụ chăn nuôi. Heo mang mầm bệnh có thể lây truyền tác nhân này trong ít nhất 90 ngày. Heo nái mang mầm bệnh thường lây truyền cho heo con của chúng. Những con chuột bị nhiễm bệnh trong trang trại cũng có thể là nguồn lây nhiễm tiềm tàng.
Dịch bệnh có tính chất địa phương, xảy ra dạng cuốn chiếu theo chiều gió. Nghĩa là đầu vùng chăn nuôi bị thì sớm muộn những đàn heo nuôi dọc theo chiều gió cũng bị. Nếu áp dụng các biện pháp chống dịch hợp lý, sau khoảng một tuần dịch bệnh sẽ hết.
Triệu chứng
Bệnh có thể xảy ra ở dạng cấp tính, á cấp tính và mãn tính (ở heo trưởng thành). Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 4 tuần, bình quân 6 – 21 ngày. Triệu chứng chính là tiêu chảy phân loãng, màu từ đỏ gạch đến nâu thẫm hoặc sền sệt như bùn, màu xi măng, lẫn táo bón tạm thời (1.A). Trong phân lẫn máu cục, chất nhầy thối, đôi khi lẫn cả niêm mạc ruột (1.B).
Bệnh thường xảy ra vào vụ thu đông và đông xuân khi thời tiết lạnh kèm mưa phùn gió bấc, đặc biệt trên đàn heo nuôi ở các tỉnh phía Bắc. Heo bệnh ủ rũ, giảm hoặc bỏ ăn. Thân nhiệt hơi tăng song không thường xuyên. Heo bệnh trướng bụng, lười vận động, có thể vừa nằm vừa tiêu chảy. Các dấu hiệu sau tiêu chảy kéo dài là những dấu hiệu liên quan đến mất nước. Chúng bao gồm mắt trũng sâu, suy nhược rõ rệt, hông hóp và sụt cân. Trong các trường hợp nặng, cảm giác thèm ăn không ổn định nhưng heo bệnh vẫn tiếp tục uống nước. Thỉnh thoảng có ca đột tử. Nái bầu có thể sẩy thai. Nếu nái nuôi con tiêu chảy thì đàn con theo mẹ cũng tiêu chảy dẫn đến chết. Nếu không được điều trị, tỷ lệ mắc bệnh cao và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Những con sống sót còi cọc không thể hồi phục (1.C).
A. Phân lỏng như bùn. | B. Phân lẫn nhầy và máu. | C. Heo SD còi cọc mãn tính không hồi phục. |
Hình 1. Heo bệnh SD tiêu chảy phân lẫn máu (Sưu tầm).
Bệnh tích
Bệnh tích chủ yếu là viêm hoại tử và tiết dịch kết tràng và manh tràng.
Trong những trường hợp cấp tính, niêm mạc của ruột già bị phù nề, sưng lên và xuất huyết nặng (2.A). Có thể chỉ có một lượng nhỏ fibrin nhưng có quá nhiều chất nhầy. Thường có thể thấy máu trong phân. Heo đột tử có thể ở trong tình trạng khá tốt mặc dù các tổn thương ở ruột già rất rộng.
Nếu bệnh kéo dài 7 – 10 ngày niêm mạc kết tràng viêm xuất huyết kèm hoại tử (2.B). Trong trường hợp này, niêm mạc kết tràng dày lên dồn thành nếp, trên phủ màng giả nhầy fibrin và máu nên có màu trắng xám, vàng nhạt hoặc đỏ (2.C). Màng treo ruột và hạch limpho sưng.
A. Ruột già phù nề. | B. Kết tràng viêm và xuất huyết nặng. | C. Tổn thương ở đại tràng. |
Hình 2. Bệnh tích ruột heo bệnh SD (Sưu tầm).
Chẩn đoán
Dựa vào kết quả điều tra dịch tễ bệnh, triệu chứng lâm sàng, mổ khám bệnh tích và kết quả kiểm tra trong labo. Mẫu phân hoặc mẫu mô ruột kết lấy từ heo bệnh ở giai đoạn đầu khi chưa dùng kháng sinh điều trị là những mẫu bệnh phẩm tốt nhất. Một đặc điểm lưu ý bệnh chủ yếu xảy ra vào mùa lạnh, lúc đầu tiêu chảy nhưng heo vẫn ăn, dần dần trướng bụng rồi bỏ ăn hẵn.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh phó thương hàn, viêm ruột hoại tử ở heo con, viêm tuyến u ruột heo, nhiễm giun sán đường ruột nặng, loét dạ dày, dạng viêm ruột do trực khuẩn nhiệt thán, nhiễm độc thức ăn nước uống, thức ăn nhiều đạm và dịch tiêu chảy.
Bệnh phó thương hàn (Salmonellosis) xảy ra chủ yếu ở đàn heo con 1 – 4 tháng tuổi. Heo bệnh tiêu chảy vọt cần câu. Trong đàn một con bị thì sớm muộn cả dàn đều bị. Xuất huyết tím da vành tai, ngang dưới cổ và những vùng da mỏng, ít vận động (bụng, tứ chi, gốc đuôi,…).
Bệnh Viêm ruột hoại tử (Necrotic enteriotis in pig) do Clostridium Perfringens (typ C) gây ra. Bệnh xảy ra ở heo thuộc mọi lứa tuổi, tiêu chảy phân lẫn máu, nhầy và bọt. Xuất huyêt toàn bộ niêm mạc đường tiêu hóa. Ruột căng phồng và nếu không điều trị kịp thời heo bệnh dễ chết.
Viêm tuyến u ruột heo (Viêm ruột hoại tử tăng sinh). Bệnh còn có tên khác là “Viêm ruột hồi tăng sinh” xảy ra ở heo mọi lứa tuổi sau cai sữa. Bệnh được gọi tên như vậy là do khi mổ khám heo chết luôn thấy thành ruột non, thỉnh thoảng thành ruột già dày lên và tách ra xa, quan sát dưới kính hiển vi thấy tăng sinh các tế bào biểu mô hốc. Trước hết heo bệnh giảm hoặc bỏ ăn 1 – 3 ngày, sau đó tiêu chảy phân nhão tới loãng có màu đỏ tươi tới đen lẫn nhầy. Heo thường chết trong khoảng 24 – 72 giờ sau khi tiêu chảy ra máu.
Nhiễm giun sán đường ruột nặng như giun tóc, giun đũa, sán lá ruột heo xảy ra theo từng đàn và từng vùng. Những đàn cho ăn cám công nghiệp và chăn nuôi theo mô hình trang trại hầu như không bị bệnh giun sán. Heo bệnh ăn uống bình thường nhưng chậm lớn, da khô, lông xù, sau khi dùng thuốc tẩy bệnh sẽ dừng ngay.
Loét dạ dày là bệnh nội khoa, bị một vài con hoặc nhiều con cùng mắc bệnh, nhưng hiếm khi cả đàn cùng bị. Mổ khám phát hiện vết loét điển hình.
Viêm ruột do trực khuẩn nhiệt thán (Anthrax), đặc trưng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy lẫn táo bón, phân lẫn máu, bỏ ăn, hay nôn. Một số heo sốt từng cơn (40,5 – 410C). Heo chết sưng hầu. Mồm, mũi, hậu môn chảy máu không đông, màu đen. Heo chết chôn cùng với vôi bột hoặc thuốc sát trùng. Tuyệt đối không được mổ khám.
Nhiễm độc thức ăn nước uống hoặc thức ăn nhiều đạm xảy ra đồng loạt trong đàn heo thuộc phạm vi nhất định. Một số cơ sở chế biến thức ăn cho vào cám nhiều sulphat đồng cũng gây phân nát ở heo vỗ béo. Thay thức ăn nước uống đảm bảo bệnh sẽ dừng.
Dịch tiêu chảy thường xảy ra ở đàn heo vỗ béo, nái và đực giống vào mùa đông giá lạnh. Heo con theo mẹ không bị. Thường bị cả đàn, lây từ trại này sang trại khác theo từng đợt dịch.
Điều trị
Hộ lý:
– Trước hết loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
– Nuôi giãn mật độ, giữ chuồng sạch, khô ấm.
– Hàng ngày sát trùng tiêu độc (FORMACIN, B.K.VET, VINADIN hoặc VINA SAFE PLUS) để diệt mầm bệnh S. hyodysenteriae, biện pháp này rất có hiệu quả trong mùa dịch bệnh SD.
– Cho cả đàn nhịn hoặc ăn ít cám công nghiệp 1 – 2 bữa. Hạn chế đạm trong thức ăn. Cho uống nước tự do.
Dùng thuốc:
– TIAMULIN, 1 g/lít nước uống hoặc 2 g/kg thức ăn, trong 3 – 5 ngày. (https://vinavetco.com/?s=tiamu)
– ĐIỆN GIẢI+BCOMPLEX, 1 g/2 – 5 kg thể trọng/ngày, trong 3 – 5 ngày. (
– Con bệnh nặng tiêm bắp một trong các loại kháng sinh sau: TIAMULIN 10 % (1 ml/10 kg thể trọng. Tiêm nhắc lại sau 24 giờ nếu cần), SPECTILIN (1 ml/5 kg thể trọng) hoặc LINCOSEP (1 ml/10 kg thể trọng), ngày một lần liên tục trong 3 ngày.
Chú ý:
– 7 ngày trước và 7 ngày sau khi dùng sản phẩm chứa TIMULIN không dùng sản phẩm chứa Salinomycin, monensin, maduramicin, narasin. Nếu không heo sẽ chết.
– Sau khi dừng kháng sinh tiếp tục cho đàn heo ăn men tiêu hóa ENZYMBIOSUB (1 g/15 – 20 kg thể trọng/ngày) hoặc MEN BÀO TỬ CAO CẤP (1 g/1 – 2 lít nước uống hoặc 1 kg /tấn thức ăn), liên tục trên 7 ngày để ổn định hệ vi khuẩn đường ruột.
– Trường hợp cả heo mẹ và đàn con theo mẹ bị bệnh tiêu chảy, tiêm heo mẹ TIAMULIN 10 % hoặc LINCOSEP (1 ml/10 kg thể trọng). Tiêm cho đàn con SPECTILIN hoặc PNEUMOTIC (1 ml/5 kg thể trọng), ngày một lần trong 3 – 5 ngày. Kết hợp tiêm phúc mạc Glucose để bù nước.
– Trường hợp heo trướng bụng cho uống hoặc tiêm MG-CALCIUM FORT (15 – 30 ml/con), hoặc tiêm Pilocarpin.
– Kinh nghiệm cho thấy cho heo ăn bột than củi, than vỏ dừa với liều một cục than bằng bao diêm hoặc một bát tro rơm (rơm nếp) hoặc tro bã mía cho 50 kg thể trọng, ngày một lần cho hiệu quả điều trị cao. Tro bã mía khử mùi thối của phân rất tốt.
– Có những ca sau khi tiêm kháng sinh 4 – 5 ngày, heo đã ngừng tiêu chảy mà vẫn ăn kém, cho ăn cháo gạo lẫn tỏi sống heo khỏi bệnh ngay.
– Sau khi ngừng tiêu chảy cho heo ăn ít một, nhiều lần trong ngày, thức ăn dễ tiêu hoá, hạn chế cao đạm. 4 – 5 ngày sau chuyển dần về chế độ ăn bình thường.
Phòng bệnh
Chưa có vacxin phòng bệnh này. Có ba phương pháp được sử dụng để loại trừ bệnh lỵ ở heo và đã khá thành công ở Hoa Kỳ.
Phương pháp thứ nhất là heo con cai sữa sớm (< ba tuần) được đưa đến một địa điểm an toàn không có B. hyodysenteriae. Trong khi đó, đàn heo bị nhiễm bệnh có thể được đưa ra thị trường và các cơ sở được vệ sinh và khử trùng. Phương pháp này cho phép giữ lại nguồn gen có giá trị. Nuôi tách biệt với các kỹ thuật sản xuất “Tất cả cùng và, tất cả cùng ra” đã khá thành công trong việc loại bỏ SD.
Phương pháp thứ hai dựa vào thuốc. Giảm đàn xuống số lượng nuôi tối thiểu, sau đó điều trị tích cực những con còn lại. Loại bỏ những cá thể suy yếu vì chúng có thể không tiêu thụ đủ thức ăn hoặc nước có thuốc. Điều trị tích cực, kéo dài rất tốn kém nên số lượng heo cần điều trị phải được giảm tối thiểu. Ba loại kháng sinh điều trị được sử dụng rộng rãi bao gồm carbadox, Lincomycin và Tiamulin. Cần tuân thủ cẩn thận hướng dẫn sử dụng và phải điều trị cho cả đàn.
Phương pháp thứ ba là tiêu hủy toàn bộ đàn có thể hữu ích ở những cơ sở có bệnh lỵ heo lưu hành, nơi mà an toàn sinh học và vệ sinh khó thực hiện. Nên tiêu hủy đàn trong thời tiết ấm áp, khô ráo. Trong quá trình tiêu hủy đàn, tất cả các cơ sở và thiết bị phải được vệ sinh và khử trùng kỹ lưỡng. Nên để cơ sở trống ít nhất hai tuần, tùy thuộc vào thời tiết và mức độ vệ sinh có thể đạt được. B. hyodysenteriae thường không sống sót quá hai tuần trong đất hoặc chuồng cỏ được giữ khô ráo và tương đối không có phân trong thời tiết khô ráo, ấm áp. Nên tái đàn bằng heo không mắc SD.
Ngoài ba phương pháp chính kể trên, cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật dưới đây:
– Luôn giữ nhiệt độ chuồng nuôi cao hơn 150C.
– Tích cực diệt chuột.
– Các chất thải cần đưa ra xa nơi chăn nuôi heo.
– Các chuồng trống rửa sạch, sát trùng tiêu độc bằng FORMACIN, B.K.VET, VINADIN hoặc VINA SAFE PLUS, định kỳ tuần 1 – 2 lần.
– Khi trong vùng có bệnh tiêu chảy hàng loạt, cho toàn đàn heo ăn/uống 3 ngày kháng sinh TIAMULIN, 1 g/lít nước uống hoặc 2 g/kg thức ăn.
– Không xuất nhập heo trong thời gian dịch.
– Thực hiện đầu đủ lịch phòng bệnh cho đàn heo.
Biên soạn:
CVKT.TS. Trần Văn Bình