BỆNH ĐẦU ĐEN (HISTOMONIASIS)
Đây là bệnh ký sinh trùng gây nhiều thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi gà thả vườn. Bệnh được biết đến với những tên khác là “Bệnh kén manh tràng” hoặc “Bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm”.
Căn nguyên:
Là một bệnh kí sinh trùng, do đơn bào Histomonas Meleagridis thuộc ngành Protozoa, họ Tripanosomatidae, giống Histomonas, loài Histomonas Meleagridis và H. Wenrichi, kí sinh ở niêm mạc ruột thừa và gan, gây nên các biểu hiện bệnh tích điển hình tại đây.
Dịch tễ bệnh:
– Bệnh xảy ra chủ yếu trên gà nuôi chăn thả và một số hoang cầm cùng nòi.
– Chưa ghi nhận trường hợp nào gà công nghiệp nuôi nhốt mắc phải bệnh này.
– Bệnh xảy ra ở tuổi gà sau 2 tuần tới 3 – 4 tháng tuổi, thực tế với các giống gà nuôi thả vườn, bệnh xảy ra sau 1 tháng tuổi là mạnh nhất, tuổi gà càng cao bệnh càng nặng, đã ghi nhận trường hợp gà đẻ trứng nuôi nền 7 tháng tuổi vẫn mắc bệnh.
Con đường lây truyền:
– Truyền qua đường ăn uống, chất độn, môi trường chăn thả chứa mầm bệnh Histomonas Meleagirdis.
– Trung gian truyền bệnh là giun kim Heterakis galline, thông qua việc gà ăn phải trứng giun kim có chứa mầm bệnh, khi vào cơ thể gà, histomonas sẽ kí sinh tại gan và manh tràng rồi gây bệnh, mầm bệnh được thải ra ngoài qua trứng giun kim và trực tiếp qua phân tạo thành vòng lây nhiễm và gây bệnh ra đàn gà.
– Mặt khác, khi bị thải ra ngoài cơ thể gà, trứng giun kim lại được giun đất ăn vào, tồn tại rất lâu trong môi trường khu vực chăn nuôi, đó là lí do bệnh rất khó thanh trừ hoàn toàn ở những khu vực chăn nuôi đã từng mắc bệnh, tỉ lệ tái bệnh cho những đàn sau luôn rất cao (Hình 1).
Lưu ý rằng:
Mầm bệnh thật sự ở đây truyền lây là do đơn bào Histomonas chứ không phải là trung gian giun kim Heterakis galline hay giun đất, vì vậy trong quá trình điều trị và phòng bệnh cũng cần phân biệt rõ nhằm thanh toán tận gốc bệnh mang lại hiệu quả cao nhất.
Hình 1. Tác nhân gây bệnh Histomonas (Sưu tầm)
Triệu chứng
Thể quá cấp và cấp tính:
Gà sốt cao, gà cù rù, mặt hốc hác tái nhợt và chết nhanh trong vòng 1 – 2 ngày kể từ khi phát hiện những triệu chứng không điển hình. Nếu chỉ dựa vào triệu chứng thường rất khó để chẩn đoán chính xác bệnh phục vụ công tác điều trị, vì khi đàn gà mắc bệnh đầu đen thường có hiện tượng đi phân sáp, sáp vàng, sáp đen, phân lẫn máu rất giống với bệnh cầu trùng, mặt khác biểu hiện sốt rất cao, cù rù, mặt hốc hác, tái nhơt có thể lẫn với bệnh kí sinh trùng đường máu hoăc một số bệnh khác tương tự.
Tỉ lệ chết trong trường hợp này có thể lên tới 85 – 90% nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách.
Thể mãn tính:
Xảy ra với mức độ và thiệt hại đầu con nhẹ hơn, chủ yếu ở những đàn gà lớn (trên 5 tháng) bệnh kéo dài, thiệt hại chủ yếu là giảm năng suất chăn nuôi, tỉ lệ chết không cao.
Các triệu chứng điển hình:
– Gà bệnh ủ rũ, sốt cao đến 440C, rúc đầu vào cánh, tìm chỗ có nắng, ấm áp để nằm (2a.).
– Phân sáp vàng, sáp đen, phân dạng giống gạch cua, phân nước có thỏi phân sống ở giữa (2b).
– Mỏ gà dài, mắt hõm sâu, quầng mắt xanh tím và lan lên da đầu làm cho đầu gà bị đên nên còn gọi là “Bệnh đầu đen” là thế (2c).
Hình 2. Triệu chứng lâm sàng bệnh Đầu đen (Sưu tầm).
2a. Gà cù rù đứng rúc đầu vào cánh | 2b. Phân sáp vàng, sáp đen, lẫn máu | 2c. Đầu gà có màu đen |
Bệnh tích
Bệnh tích ở gan: Đặc trưng nhất là gan sưng to hơn bình thường và xuất hiện những ổ hoại tử hình “hoa cúc”, bề mặt ổ hoai tử hơi lõm khắp bề mặt gan (3a).
Bệnh tích ở manh tràng: Manh tràng sưng to, thành manh tràng tăng sinh dày. Giai đoạn đầu manh tràng mềm, trong chứa nhiều chất nhầy lẫn máu. Về sau chất chứa bên trong tạo kén cứng chắc, có màu trắng, cũng từ đây mà bệnh có thêm một tên gọi nữa – Bệnh kén ruột (3b). Nhiều trường hợp có thể phát hiện thấy giun kim nhỏ li ti tại đây.
Hình 3. Bệnh tích gà bệnh Đầu đen
3a. Bệnh tích ở gan. | 3b. Bệnh tích manh tràng. |
Ngoài ra, Đầu đen có thể ghép các bệnh khác như Đầu đen ghép Cầu trùng và E.coli bại huyết (Cầu trùng cấp, CT ỉa máu tươi). Bệnh đầu đen ghép bệnh hen. Đầu đen ghép bệnh đậu gà (gặp ở những đàn chưa được chủng đậu) cho nên triệu chứng và bệnh tích còn phức tạp hơn nhiều.
Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp gan hoại tử ở một số bệnh khác: Marek, tụ huyết trùng, lao ở gà. Mang tràng viêm đóng kén cần phân biệt với bệnh cầu trùng manh tràng.
Bệnh đầu đen:
Vết hoại tử loang lổ hoa cúc, có dạng hơi lõm xuống chứ không lồi lên như dạng khối u, vết hoại tử ăn sâu xuống dưới, càng sâu phía dưới thì càng nhỏ lại, vì thế khi cắt dọc xuống tại bề mặt vết hoại tử ta thấy mặt cắt có dạng như hình nón ngược. Vết hoại tử xuất hiện ở bề mặt gan, không xuất hiện ở mặt nơi tiếp giáp giữa 2 thùy gan.
Bệnh Marek:
Ổ hoại tử chính là khối u tăng sinh, bề mặt gồ lên, khối u thường có màu vàng nhạt đến vàng chanh nổi trên nền gan sưng (như mụn cốc, mụn hạt cơm – 4a), cắt đôi ổ hoại tử ta không thấy có dạng hình nón ngược, ổ hoại tử gọn gàng hơn, ổ hoại tử (khối u) xuất hiện cả ở mặt tiếp giáp giữa 2 thùy gan và ở nhiều vị trí khác (ở phần da không lông – chân, đầu, cánh,…). Về lâm sàng nhìn gà to nhưng xách lên rất nhẹ vì gà bệnh Marek rất gầy.
Hình 4. Bệnh tích gan gà bệnh Marek và gà bệnh THT.
4a. Gan gà bệnh Marek | 4b. Gan gà bệnh THT | 4c. Tổn thương lao điển hình ở gan ngỗng |
Bệnh tụ huyết trùng (THT):
Gan cũng sưng và xuất hiện những ổ hoại tử nhưng ổ hoại tử trong bệnh tụ huyết trùng rất nhỏ, xuất hiện lấm chấm màu vàng ngà, chỉ bé bằng đầu đinh ghim tới hạt kê, nhìn vào bề mặt gan trong bệnh tụ huyết trùng có thể liên tưởng đến một vùng trời nhiều sao lấm chấm sáng (4b).
Bệnh Lao:
Ổ hoại tử bề mặt gan trong bệnh lao không rõ ràng, nhưng khi cắt đôi sâu xuống vết hoại tử ta có thể thấy vết hoại tử ăn sâu vào lòng gan tạo thành dạng hang hốc phức tạp (4c).
Cầu trùng manh tràng:
Trong bệnh này manh tràng không đóng kén và bệnh tích chỉ có ở manh tràng, không có ở gan và da đầu không bị “đen”. Cầu trùng xảy ra ở cả gà thả vườn và cả gà nuôi nhốt.
Điều trị
Bước 1: Kết hợp dùng các loại thuốc sau trị bệnh đầu đen:
– VINA-SULFAMONO 80 (1 g/ 40 – 60 kg thể trọng/lần, 2 lần/ngày, tương ứng với 1 g/4 – 6 lít nước hoặc 1 g/2 – 3 kg thức ăn) hoặc TRISULFON-DEPOT (1 g/40 kg thể trọng/lần, 2 lần/ngày, tương ứng với 1 g/ 4 lít nước uống hoặc 1 g/2 kg thức ăn, liên tục trong 5 ngày.
– Kết hợp với VINADOXIN ORAL (1 g/5 lít nước uống, tương ứng với 1 g/50 kg thể trọng/ngày hoặc 1 g/25 kg thức ăn), VINA-FLODOX (1 ml/10 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 ml/2 lít nước uống hoặc 1 ml/1 kg thức ăn), VINA-TYLODOX (1 g/10 – 20 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/2 – 4 lít nước uống hoặc 1 g/1 – 2 kg thức ăn), liên tục trong 3 – 5 ngày.
– Và PARA C 20%, 1 g/2 lít nước cho toàn đàn uống đến khi hết sốt.
Bước 2: Dùng thuốc tẩy giun kim.
Sau khi ngừng thuốc trị bệnh đầu đen, dùng thuốc tẩy giun ZUSAVET, 1 g/10 kg thể trọng hoặc 1 g/lit nước uống. 2 tháng tẩy một lần.
Chú ý:
– Những cá thẻ bệnh nặng tiêm bắp VINAMETHOPRIM, 1 ml/4 kg thể trọng, ngày 1 lần, trong 2 – 3 ngày.
– Sau khi dừng thuốc, tiếp tục dùng LIVER-TONIC, 1 ml/10 – 15 kg thể trọng/ngày, liên tục 3 – 5 ngày để tăng cường chức năng gan và tái tạo tế bào gan, thận.
Phòng bệnh
– Vệ sinh chuồng trại: Khử trùng khu vực chăn thả, tẩy giun định kì cho gà và dọn sạch phân sau khi tẩy. Rắc vôi trong khu vực chăn nuôi để loại bỏ giun đất, giun kim.
– Ðảm bảo thời gian trống chuồng sau mỗi lứa gà, không nuôi chung gà tây với các giống gà khác, không nuôi gà nhiều lứa tuổi trong cùng một khu vực.
– Hạn chế thả gà ra vườn khi trời mới mưa.
– Định kỳ 1 tháng tẩy giun sán 1 lần để loại trừ vật chủ trung gian là giun kim.
– Ở những vùng đã có dịch bệnh Đầu đen, khi gà trên 20 ngày tuổi, định kỳ cho uống một đợt 3 ngày thuốc VINA-SULFAMONO 80 hoặc TRISULFON-DEPOT, nghỉ khoảng 3 tuần rồi tiếp tục cho uống đợt tiếp theo.
Tác giả: Tiến sĩ Trần Văn Bình