BỆNH BẠI HUYẾT VỊT
Căn nguyên
Đây là bệnh nhiễm trùng máu, viêm thanh dịch vịt con 1 – 8 tuần tuổi, do vi khuẩn dạng cầu Gram(-) Rienerella Anatipestifer gây ra. Vi khuẩn R.Anatipestifer có khoảng 21 serotype khác nhau và không có khả năng bảo hộ chéo. Tại Việt Nam các serotype 1, 6, 8, 10 và 20 đã được tìm thấy; trong đó serotype 10 là phổ biến. Bên cạnh đó có rất nhiều chủng không xác định được serotype. Đôi khi trong cùng một đàn vịt có thể nhiễm một hay nhiều serotype vi khuẩn khác nhau, vì vậy việc dùng vắc xin nhiều khi không hiệu quả.
Triệu chứng đặc trưng vịt bệnh rối loạn hô hấp và thần kinh. Bệnh gây chết hàng loạt vịt con. Bệnh này còn có tên khác là viêm huyết thanh truyền nhiễm (Infectious serositis), nhiễm trùng huyết (Duck septicaemia) hoặc RA.
R.Anatipestifer gây bệnh chủ yếu ở vịt con và ít gặp hơn ở vịt trưởng thành và hiếm khi ở vịt giống, cũng như gà tây và ngỗng. Các loài chim nước, gà và gà lôi khác đôi khi cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong các hoạt động chăn nuôi vịt và ngỗng thương mại, tỷ lệ tử vong có thể rất đáng kể. Những con vịt con sống sót có thể còi cọc và bị loại bỏ vào thời điểm giết mổ.
Dịch tễ bệnh
Dịch tễ học và sinh bệnh học của nhiễm vi khuẩn R anatipestifer chưa được hiểu rõ và hiện tại chưa có yếu tố độc lực chắc chắn nào được xác định cho tất cả các huyết thanh nhóm. Bước đầu người ta tin tưởng rằng:
– Vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp.
– Mầm bệnh có trong chất tiết của dịch mũi làm dính vào thức ăn, nước uống làm lây qua đường tiêu hóa.
– Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua các vết trầy xước trên da, đặc biệt là trên màng bàn chân vịt.
Khi nhiễm trùng đã xuất hiện trong một trang trại, nó thường trở thành dịch bệnh địa phương.
Triệu chứng
Bệnh có thể xảy ra 3 ngày sau khi bị stress với thể cấp tính hoặc mãn tính.
Trong thể cấp tính vịt con chết đột ngột khi chưa có triệu chứng, hoặc một vài giờ sau khi có triệu chứng lâm sàng.
Trong thể mãn tính vịt thường chết sau khi bị bệnh 6 – 7 ngày. Một số vịt có triệu chứng hô hấp, mắt, mũi chảy nhiều dịch lỏng, khẹc và hắt hơi. Vịt bệnh sốt cao, gầy yếu, kém ăn, tiêu chảy phân xanh, lông quanh ổ nhớp dính phân màu xanh. Càng ngày vịt bệnh càng yếu, rối loạn vận động, không thể đứng vững được, hai chân duỗi thẳng, đi bằng cánh, luôn tụt lại sau đàn (1A). Nếu bị kích động, chúng loạng choạng chạy xa vài bước, ngã nhào rồi nằm ngửa ra. Một số vịt bơi không bình thường, bơi theo đường tròn trên mặt nước. Đây là triệu chứng lâm sàng đặc trưng để phân biệt bệnh này với các bệnh khác. Khi đi vịt bệnh có thể ngoẹo đầu ngoẹo đuôi, khi ngồi run đầu và cổ hoặc đầu lắc lư. Chết 5 – 80% tổng đàn. Một số vịt sưng một hoặc hai bên hốc mắt, khó thở. Một vài con sưng khớp, đi khập khiễng.
Hình 1. Vịt bệnh bại huyết rối loạn vận động.
Bệnh tích
Bệnh tích điển hình trong thể cấp tính là phổi sung huyết, gan sưng to màu hồng nhạt, bề mặt gan phủ màng fibrin. Lách sưng màu tím bầm hoặc xuất huyết có hình đá hoa cương (2A). Da vùng ức, bụng xanh nhợt, mỏ sung huyết. Trong một số ít ca viêm màng ngoài tim, bao tim tích nước, viêm quanh gan với dịch rỉ fibrin tạo thành lớp mỏng, màu nhạt trên bề mặt gan. Phần cuối các túi khí xoang bụng tích dịch bã đậu. Các túi khí có thể hơi đục và dày lên từng chỗ. Nếu chỉ dựa vào bệnh tích, khó phân biệt được thể cấp tính do E.coli hay R.Anatipestifer.
Trong thể mãn tính viêm màng ngoài tim (2B), quanh gan (2C), túi khí với dịch fibrin, đặc biệt phần bọc dưới phổi. Viêm phổi bã đậu và viêm sợi huyết màng não. Dịch bã đậu trong bệnh R.anatipestifer tương đối khô, rắn, xếp thành lớp mỏng. Dịch bã đậu đôi khi thấy ở xoang hốc mắt, thanh quản thành lớp dài, rắn, dễ bóc.
A. Lách sưng, xuất huyết hình đá hoa cương. | B. Viêm màng ngoài tim. | C. Gan sưng phủ màng fibrin. |
Hình 2. Bệnh tích vịt bệnh bại huyết.
Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, kết quả mổ khám và chẩn đoán trong labo. Vịt bệnh có các triệu chứng chính sau:
– Tiêu chảy phân xanh lỏng.
– Sốt cao, ủ rũ, chảy dịch mắt, dịch mũi, khó thở.
– Triệu chứng thần kinh: ngoẹo đầu, ngoẹo cổ, rối loạn vận động.
– Bơi theo vòng tròn.
– Dịch tiết fibrin trong xoang màng ngoài tim và trên bề mặt gan là bệnh tích đặc trưng nhất.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt nhiễm khuẩn R.Anatipestifer với bệnh nhiễm khuẩn huyết E.coli, Viêm gan siêu vi, Viêm ruột do virus, Dịch tả, Thương hàn, Cúm, Cầu trùng.
Thể mãn tính bệnh R.anatipestifer phân biệt được với các thể E.coli. Dịch rỉ trong bệnh E.coli không xếp thành lớp, nát, có nhiều thanh dịch – fibrin hơn và giống sữa cục, không viêm vòi trứng. Màng não (vùng quanh tiểu não), sung huyết, phù thũng và bị xuất huyết.
Viêm gan siêu vi xảy ra chủ yếu ở vịt dưới 10 ngày tuổi với tỷ lệ chết cao. Gan sưng to, xuất huyết điểm. Khi chết hai chân duỗi thẳng, đầu ngoẹo ra sau.
Viêm ruột do virus chưa thấy thông báo có ở nước ta.
Dịch tả vịt xảy ra ở vịt thuộc mọi lứa tuổi, chết rất cao. Vịt bệnh khô chân, lười bơi, đầu sưng, tiêu chảy phân trắng, vịt mái mất tiếng kêu như vịt trống, giảm đẻ.
Bệnh thương hàn (Salmonellosis) nhiễm chủ yếu ở vịt dưới 3 tuần tuổi. Tiêu chảy phân trắng, dính bết vào lỗ huyệt. Có thể có viêm khớp. Bệnh tích đặc trưng: Lòng đỏ không tiêu. Viêm bao tim. Xoang bao tim tích nước nhày, màu vàng. Viêm phúc mạc, có thể dính với các cơ quan khác.
Cúm xảy ra không phụ thuộc lứa tuổi và mùa vụ, gây chết 100% vịt chưa được tiêm phòng.
Cầu trùng vịt có triệu chứng lâm sàng chủ yếu là còi cọc và có bất thường về phân (phân lỏng/sáp/có máu hoặc niêm mạc ruột).
Điều trị
Bệnh này dùng kháng sinh điều trị được, can thiệp càng sớm hiệu quả càng cao.
A/ Hộ lý:
– Nhốt toàn đàn. Không thả xuống ao vì nước ao có thể là nguồn lây bệnh R.Anatipestifer cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khác.
– Thay nước ao đảm bảo chất lượng. Xử lý nước ao nuôi bằng VINADIN 600 (1 lít/8000 – 10000 m3 nước) hoặc vôi bột CaCO3 (Calci) với liều 10 – 20 kg/1000 m2, hòa với nước rồi tạt xuống ao không cần lắng trong.
– Nhốt riêng những con có triệu chứng lâm sàng và con nghi ngờ, tốt nhất loại khỏi đàn, đặc biệt thuỷ cầm hậu bị và đang đẻ.
Bước tiếp theo san nhỏ đàn để giãn mật độ nuôi. Sát trùng, tiêu độc chuồng trại.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng.
B/ Dùng thuốc:
Kết hợp thuốc uống và thuốc tiêm.
- Thuốc uống dùng một trong 2 cách sau:
Cách 1:
– Cho cả đàn uống/ăn một trong các loại kháng sinh sau: VINA-FLOR ORAL 20% (1 ml/10 kg thể trọng/ngày tương ứng với 1 ml/2 lít nước uống, hoặc 1 ml/ 1 kg thức ăn), VINA-FLOCOL 50 (1 g/25 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/5 lít nước uống hoặc 1 g/2,5 kg thức ăn), VINAFLOCOL (1 ml/15 – 20 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 ml/3 – 4 lít nước, hoặc 1 ml/ 1,5 – 2 kg thức ăn), VINAFLOR 4% (2 – 3 g/kg thức ăn), VINA-ENRO 20% (1 ml/20 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 ml / 4 lít nước uống hoặc 1 ml/2 kg thức ăn), hoặc VINA-NORFLO 20% (1 ml/2 lít nước hoặc 1 ml/10 kg thể trọng/ngày), dùng liên tục 3 – 5 ngày.
– và ĐIỆN GIẢI + BCOMPLEX, 1 g/3 – 5 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/1 lít nước uống hoặc 2 g/1 kg thức ăn.
Cách 2:
– VINA-FLODOX (1 ml/10 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 ml/2 lít nước uống hoặc 1 ml/1 kg thức ăn), VINA-GENTADOX (1 g/15 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/3 lít nước uống hoặc 1 g/1,5 kg thức ăn), (),
– và VINA–CHICKEN LAYER, 1 g/10 kg thể trọng/ngày, tương ứng với 1 g/2 lít nước uống hoặc 1 g/1 kg thức ăn, liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Thuốc tiêm dùng một trong 2 bộ kháng sinh gà vịt sau:
– BỘ BA SẢN PHẨM TIÊM GÀ – VỊT – NGAN CAO CẤP, Rút 100 ml CEF KETO 1- L.A bơm vào lọ đựng 300 ml DUNG MÔI PHA TIÊM, lắc kỹ cho tan hoàn toàn. Rút tiếp 20 ml TULACIN 100 bơm vào hỗn dịch trên, lắc đều để dược hỗn hợp kháng sinh đồng nhất. Tiêm bắp hoặc dưới da, liều: 1 ml/1,9 – 2,4kg thể trọng, liên tục 1 – 2 mũi cách nhau 48 giờ.
– Hoặc CẶP KHÁNG SINH GÀ VỊT. Bơm 100 ml dung dịch vào chai thuốc bột, lắc cho tan hết và dùng ngay. Tiêm bắp hoặc dưới da 1 ml/2 – 4 kg thể trọng, ngày 1 lần trong 2 – 3 ngày.
Đối với vịt con 1 – 3 ngày tuổi: 1 ml/100 con. Để dễ chia liều tiêm, lấy 1 ml thuốc trong chai 100 ml, pha với 9 ml nước cất hoặc dung dịch sinh lý mặn thành 10 ml, sau đó tiêm dưới da cổ 0,1 ml/con, ngày một lần trong 2- 3 ngày.
Phòng bệnh
– Đảm bảo chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt. Tránh những yếu tố bất lợi cho đàn vịt như stress, lạnh, mật độ nuôi dày, chuyển đàn liên tục, đặc biệt vào giai đoạn 1 – 3 tuần tuổi đầu.
– Cho ăn/uống một trong các loại kháng sinh đã nêu ở phần trên ngay trong tuần tuổi đầu tiên hoặc tiêm dưới da cổ CẶP KHÁNG SINH GÀ VỊT phòng bệnh viêm rốn, bại huyết vịt, E.coli và các bệnh nhiễm khuẩn khác, một mũi duy nhất vào giai đoạn 1 – 3 ngày tuổi theo cách dùng, liều dùng như trên.
– Rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi và lối đi một lớp dày 1 – 2 cm tạo vành đai nhằm loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
– Định kỳ tuần 1 – 2 lần sát trùng, tiêu độc chuồng trại (VINADIN, B.K.VET, VINA SAFE PLUS hoặc FORMACIN).
– Khử trùng trứng trước khi ấp.
– Đảm bảo nước ao nuôi thuỷ cầm sạch.
– Một số kháng thể dùng cũng cho hiệu quả tốt.
Biên soạn: TS.CV. Trần Văn Bình