Bạn đọc

Tin tức

Kiểm soát tốt dịch bệnh, chăn nuôi sẽ phát triển

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, dịch bệnh kiểm soát tốt sẽ thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đảm bảo thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngày 10/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Tây Ninh chăn nuôi tăng trưởng dương

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Chiến cho biết, Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua đã được tỉnh rất quan tâm, đặc biệt thu hút đầu tư vào chăn nuôi. Theo đó,  từ năm 2016 đến nay đã có 113 dự án chăn nuôi quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, gồm có: 32 dự án chăn nuôi gà với quy mô 9.457.500 con; 77 dự án chăn nuôi heo với quy mô 959.084 con…

Chăn nuôi bò tập trung ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Chăn nuôi bò tập trung ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Hiện ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó,  tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, trong đó, 628 trang trại tăng 5,7% so với năm 2021. Về gia cầm có 9.000.000 con, trong đó, 107 trang trại tăng 20,88% so với năm 2021.

Tổng sản lượng chăn nuôi năm 2022 ước đạt: 50.500 tấn thịt heo; 7.550 tấn thịt bò; 49.000 tấn thịt gia cầm; 650 triệu quả trứng. Hiện lượng heo đã đủ cho đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh; thịt trâu bò xuất về TPHCM khoảng 10 tấn/ngày; thịt gia cầm xuất tỉnh khoảng 30 tấn/ ngày; trứng xuất tỉnh và xuất khẩu chiếm khoảng 30% sản lượng của tỉnh.

Về tình hình dịch bệnh, trong những năm gần đây, dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước có diễn biến phức tạp, nhiều loại dịch bệnh mới như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò phát sinh và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và người chăn nuôi.

Cụ thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2021, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại 9 huyện, thị xã, thành phố; tổng số trâu, bò bệnh là 16.316 con; số trâu, bò chết và hủy 1.913 con; bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 41 xã của 6 huyện, xã, thành phố. Tổng số lợn chết và hủy là 4.720 con; bệnh cúm gia cầm xảy ra 1 ổ dịch; bệnh dại trên chó xảy ra 3 ổ dịch; ngân sách tỉnh phải chi để hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ cho người chăn nuôi khoảng 27 tỷ đồng.

Trang trại nuôi gà lông màu theo hướng ATSH ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nuôi gà lông màu theo hướng ATSH ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Đối với công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, hiện nay, Tây Ninh có 60 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; huyện Dương Minh Châu được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn; có 3 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà, 6 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã công nhận ATDB đối với bệnh lở mồm long móng, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh…

“Năm 2022, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh ổn định. Sở NN và PTNT tỉnh  đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương xử lý 19 ổ dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2021. Địa phương cũng đã ban hành và thực thi các kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và 2025 – 2030”, ông Phạm Văn Chiến nhấn mạnh.

Các sản phẩm chăn nuôi của Tây Ninh được thị trường chấp nhận. Ảnh: Trần Trung.

Các sản phẩm chăn nuôi của Tây Ninh được thị trường chấp nhận. Ảnh: Trần Trung.

Thay mặt UBND tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Văn Chiến cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng các cơ quan chuyển ngành của Trung ương, Tây Ninh tin tưởng rằng công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ được thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao hơn.

Dịp này, ông Phạm Văn Chiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục chọn Tây Ninh để đầu tư và Tây Ninh cũng cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương; cùng phối hợp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của tỉnh nhà.

Dịch bệnh đàn vật nuôi cả nước được kiềm chế

Theo Cục Thú y,  từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 1.217 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 53 tỉnh, thành phố, so với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 60%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 80%. Về dịch cúm gia cầm đã xảy ra 48 ổ dịch tại 38 huyện của 22 tỉnh, thành phố, so với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 60%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 78%.

Về lở mồm long móng, đã  xảy ra 18 ổ dịch tại 11 huyện của 8 tỉnh, thành phốso với cùng kỳ năm 2021, số tỉnh bị dịch bệnh giảm 55,55%, số ổ dịch giảm 79,77%, số gia súc mắc bệnh giảm 83,26%. Về viêm da nổi cục, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 247 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố, so với cùng kỳ năm 2021, số tỉnh bị dịch bệnh giảm 70,9%, số ổ dịch giảm 94,35%, số gia súc mắc bệnh giảm 98,9%, số gia súc chết và tiêu hủy là giảm 98.44%. Đặc biệt, cả nước chỉ phát sinh 1 ổ dịch tai xanh tại tỉnh Thái Nguyên…

Công tác phòng ngừa dịch cúm trên đàn gia cầm.

Công tác phòng ngừa dịch cúm trên đàn gia cầm.

Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, Niu-cát-xơn, Gumboro,… được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Hiện nay, đã có các loại vắc xin để phòng những bệnh này có hiệu quả; nhiều loại vắc xin được sản xuất trong nước.

Về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, lũy kế từ năm 2016 đến nay cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố.  Đối với Hệ thống thông tin dịch bệnh trực tuyến VAHIS, được đưa vào sử dụng từ năm 2018, hiện hệ thống đã triển khai tại 63 tỉnh thành phố.

Có thể khẳng định, Hệ thống VAHIS đã trở thành kênh quản lý dữ liệu dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch bệnh chính thức giữa 63 cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh, thành phố, 7 Chi cục thú y vùng và Cục Thú y. Hệ thống VAHIS đang phát triển các hợp phần và ứng dụng mới để phục vụ tăng cường công tác quản lý dịch bệnh tại các địa phương trong cả nước.

Người dân chủ động tiêm vacxin cho lợn. 

Người dân chủ động tiêm vacxin cho lợn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn một số tồn tại khó khăn như: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin. Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh….

“Để kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Cục sẽ chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện rà soát; tổ chức rà soát tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại,… Tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần ATDB theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu…”, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y Phan Văn Minh chia sẻ.

Thúc đẩy chăn nuôi tăng trưởng khá

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2022 tổng đàn lợn cả nước ước tăng 12,4%, tổng đàn gia cầm tăng khoảng 5,4%, tổng đàn bò tăng khoảng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 5 triệu tấn, trên 13 tỷ quả trứng và gần 1 triệu tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng từ 4% đến 4,5% so với năm 2021. Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, ước lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường đạt trên 7,2 triệu tấn; trứng trên 19 tỷ quả, sữa đạt trên 1,25 triệu tấn…

Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng từ 4% đến 4,5%. Ảnh: Trần Trung.

Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng từ 4% đến 4,5%. Ảnh: Trần Trung.

Về giết mổ: tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung tăng, ước khoảng 25-30%. Về chế biến: có 108 cơ sở chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp, trong đó:  67 nhà máy chế biến thịt các loại và sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,3 triệu tấn; 6 nhà máy chế biến trứng và sản lượng trứng chế biến khoảng 100 – 110 triệu quả trứng/năm.

Về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: 11 tháng 2022 đạt 361 triệu USD (-8,4%) tại các thị trường chính: Hong Kong (40%), Nhật Bản (15%), Thái Lan (7%)…Về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trên 3,0 tỷ USD, trong đó thịt trâu, bò đông lạnh chiếm 43% (-3,2%). Thị trường nhập khẩu lớn: Ấn Độ (29%), Úc (13%), Hoa Kỳ (11%)…Về quản lý giống vật nuôi: 75% số tỉnh/TP đã ban hành quy định quản lý giống vật nuôi trên địa bàn; 70% số tỉnh/TP đã thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ về công tác giống.

Sản phẩm trứng gà xuất khẩu của Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm trứng gà xuất khẩu của Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

 “Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, nhiều địa phương trong cả nước đầu tư lớn cho hạ tầng cơ sở chăn nuôi, thể chế của ngành chăn nuôi cơ bản hoàn thiện… Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2022 cả nước ước tăng khoảng 5-6% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn; sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%); sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%)…”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh nhấn mạnh.

Tiếp tục thực thi các giải pháp đồng bộ

Kết luận Hội nghị Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Kết quả, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng trưởng khá.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm các khu trưng bày các sản phẩm chăn nuôi đặc trưng của Tây Ninh bên lề hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm các khu trưng bày các sản phẩm chăn nuôi đặc trưng của Tây Ninh bên lề hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới, đặc biệt trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán vẫn còn rất cao. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các Chương trình, Kế hoạch quốc gia và nhiều văn bản của Bộ NN và PTNT đã nêu ở trên, nhất là phê duyệt và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu năm 2023.

Theo đó, cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh; Tiếp tục triển khai Tháng tổng vệ sinh, sát trùng tiêu độc trước và sau Tết Nguyên đán để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển'. Ảnh: Trần Trung.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển”. Ảnh: Trần Trung.

Đẩy mạnh và kiên quyết áp dụng triệt để chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác trên hệ thống trực tuyến VAHIS, bao gồm: Thông tin dịch bệnh hàng ngày, kết quả giám sát, cảnh báo dịch bệnh, số liệu an toàn dịch bệnh, số liệu tiêm phòng vắc xin; Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ để sớm có vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật….

Nguồn: Trần Trung
Báo Nông Nghiệp Việt Nam